ACV tăng hơn 78% với kỳ vọng độc quyền ngành
Phiên giao dịch hôm qua (14/12), cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP đóng cửa tại mức giá 44.600 đồng/cổ phiếu, tăng 6,4% so với phiên trước đó và tăng hơn 78% so với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên (35.000 đồng/cổ phiếu ngày 21/11).
ACV có vốn điều lệ hơn 17.093 tỷ đồng, tương ứng với hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/4/2016 nên không công bố báo cáo tài chính quý I/2016. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II và III/2016 của ACV, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty lần lượt là -61,7 tỷ đồng và 756,5 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo, năm 2016, ACV có thể đạt 1.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 687 đồng (chưa bao gồm khoản thoái vốn tại SGN, SAS). Với thị giá hiện nay, chỉ số giá trên lợi nhuận (P/E) của cổ phiếu ACV đang ở mức cao hàng đầu thị trường.
Một số công ty chứng khoán nhận xét, mức giá cổ phiếu ACV hiện tại đã vượt kỳ vọng của không ít nhà đầu tư. Dòng tiền đầu tư đang có phần lưỡng lự, khi những phiên đầu chào sàn, thanh khoản ACV có phiên đạt trên 1 triệu đơn vị, gần đây dao động quanh mức 500.000 đơn vị/phiên.
“Mặc dù tiềm năng rất lớn, nhưng quy mô doanh thu và lợi nhuận của ACV hiện tại chưa tương xứng. Với mức giá cổ phiếu hiện nay, có lẽ cần nhiều năm để ACV đạt được lợi nhuận như kỳ vọng của nhà đầu tư”, nhân viên môi giới của một công ty chứng khoán nói.
Tuy vậy, đánh giá về ACV vẫn có nhiều góc nhìn tích cực. TS. Trần Du Lịch, trong một buổi hội thảo mới đây đã chia sẻ, nếu có tiền, một trong những cổ phiếu mà ông đầu tư là ACV, bởi đây là cổ phiếu độc quyền trong ngành và lĩnh vực hoạt động của ACV có triển vọng tăng trưởng cao.
Business Monitor International (BMI) - một tổ chức nghiên cứu, đánh giá về kinh tế, tài chính hàng đầu thế giới dự báo, giai đoạn 2016 - 2020, lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,6 - 6,8%/năm. Theo đó, ACV tăng được nguồn thu và giảm phụ thuộc vào mảng vận chuyển hành khách.
SAB tăng 92%, cao hơn 40% so với giá VDSC dự báo
Cổ phiếu SAB của Tổng công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) từ khi niêm yết đến nay liên tục tăng giá trần (7 phiên liên tiếp), đưa cổ phiếu từ mức giá tham chiếu 110.000 đồng/cổ phiếu lên 211.500 đồng/cổ phiếu.
Điểm đáng chú ý của SAB là thanh khoản đang tăng dần, nhưng vẫn ở mức thấp, cao nhất 380.000 cổ phiếu/phiên.
Mặc dù vậy, cổ phiếu SAB vẫn chưa cho thấy tín hiệu hạ nhiệt. Một số phiên gần đây, khối ngoại còn có dấu hiệu “gom hàng” ở cổ phiếu này.
Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), khả năng tăng giá sắp tới của cổ phiếu SAB khá hạn chế.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, dựa trên giả định sản lượng bia tiêu thụ năm 2017 của SAB tăng 6%, ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của SAB đạt lần lượt 32.689 tỷ đồng (tăng 8,6%) và 4.795 tỷ đồng (tăng 5%). Theo đó, EPS năm 2017 của SAB ước đạt 7.028 đồng.
Kết hợp hai phương pháp EV/EBITDA (giá trị doanh nghiệp/lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) và P/E, mức giá hợp lý đối với cổ phiếu SAB là 143.000 đồng/cổ phiếu. Thị giá hiện tại của SAB cao hơn khoảng 40% so với mức giá mà VDSC dự báo.
Những công ty mới chào sàn, đặc biệt ở những ngành có triển vọng, giá cổ phiếu có xu hướng tăng cao là dễ hiểu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá tăng cao và nhanh khiến rủi ro tăng cao, nhất là trong bối cảnh thị trường chung thiếu tích cực.
Nhìn lại lịch sử giao dịch của các công ty niêm yết/đăng ký giao dịch trước đây, sau một khoảng thời gian dài tăng giá mạnh, thị trường sẽ có những điều chỉnh, đưa giá cổ phiếu về mức định giá hợp lý hơn.