Cổ phiếu thủy sản sẽ hút khách
DN xuất khẩu tôm đang đứng trước nhiều thuận lợi khi giá tôm trên thế giới liên tục tăng |
Báo cáo chiến lược của SSI Retail Research nhận định, mặc dù thời tiết không thuận lợi kéo dài và sự cố ô nhiễm môi trường diễn ra phức tạp, song giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 của Việt Nam vẫn tăng trưởng 4,6% so với cùng kỳ 2015. Kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng đều tăng mạnh, như Mỹ tăng 10,9%, Trung Quốc tăng 49,06%, Thái Lan tăng 9,92% và Anh tăng 8,83%.
SSI Retail Research cho rằng, thủy sản là 1 trong 6 nhóm ngành đáng chú ý trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn nhận được sự quan tâm lớn của SSI, nhờ lợi thế không bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ và mảng gelatin và collagen bắt đầu phát sinh doanh thu trong năm nay.
Theo thông tin từ CTCP Vĩnh Hoàn, quý II vừa qua, Công ty đạt doanh thu trên 2.100 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế tăng 134% so với cùng kỳ 2015 và tăng gấp đôi so với quý trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận sau thuế của VHC đạt 306 tỷ đồng, đạt gần 87% kế hoạch mà ĐHCĐ giao. Công ty cũng ghi nhận mức kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu theo tháng (28,5 triệu USD) trong tháng 5 và tháng 6. Với kết quả này, VHC tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu ngành cá tra, với việc đóng góp 16% với giá trị xuất khẩu cả nước (đạt gần 140 triệu USD) và dẫn đầu ngành thủy sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2016.
Doanh nghiệp cùng ngành với VHC là CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) cũng có nửa đầu năm 2016 khá sáng sủa. Sản lượng tôm chế biến của FMC 6 tháng đạt 5.450 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ, sản lượng tôm tiêu thụ đạt 5.234 tấn, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Doanh thu xuất khẩu đạt 55,1 triệu USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ. Theo lý giải từ đại diện Công ty, doanh thu giảm do trong cơ cấu sản phẩm tiêu thụ, tôm cỡ nhỏ nhiều, đơn giá thấp.
Trong quý II, FMC đã thả giống hoàn tất 134 ao dạng cuốn chiếu, giúp tăng sản lượng tôm nguyên liệu thêm 30%. Đợt thả đầu trên 70 ngày tuổi, đợt mới nhất mới 1 tuần với mức thiệt hại khấu hao 5% và tình hình hiện tại đang ổn định. Ngoài ra, Công ty cũng đã hoàn tất nâng cấp và cho hoạt động trở lại nhà máy nông sản An San. Bên cạnh đó, FMC cũng đang thi công nhà máy thủy sản gia công Tin An, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Sản lượng tôm của các đối thủ xuất khẩu lớn trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador sụt giảm do mưa nhiều, giá tôm tại các thị trường chính liên tục tăng đang là những thông tin hỗ trợ tích cực với hoạt động của FMC. Dự báo, giá trị xuất khẩu tôm toàn ngành năm 2016 sẽ tăng khoảng 12,3% so với năm 2015.
Trả lời câu hỏi về ảnh hưởng của sự kiện Brexit đến hoạt động kinh doanh của FMC, ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty cho biết, hiện còn quá sớm để đánh giá tác động của sự kiện này tới hoạt động kinh doanh của Công ty nói riêng và ngành tôm Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, nếu phân tích trên khía cạnh ảnh hưởng của biến động tỷ giá thì việc mất giá của đồng bảng Anh và euro khiến đồng Yen và đồng USD tăng giá, với 80% thị phần xuất khẩu từ khu vực sử dụng đồng Yen và USD, FMC không bị thiệt hại, nếu không muốn nói là có lợi.
Theo ông Lực, để tăng sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, nếu tiến trình của Brexit nhanh, FMC sẽ có điều chỉnh thị trường. Cụ thể, Công ty sẽ củng cố những khách hàng phân khúc cao ở Anh và EU, đồng thời tìm thêm cơ hội ở thị trường Nhật Bản, Canada và Hàn Quốc.
Với việc sở hữu hơn 54% cổ phần tại FMC, CTCP Hùng Vương cũng được kỳ vọng sẽ tăng lợi nhuận so với khoản lãi khiêm tốn 1,5 tỷ đồng ở quý I/2016.
Còn với CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, sau thông tin thắng kiện trong vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ, kết quả kinh doanh quý II/2016 của Công ty chưa được công bố chính thức, nhưng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khá cao.