Còn nhiều việc phải làm để 'nâng tầm' cảng biển Nghi Sơn
Chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế
Cảng biển Nghi Sơn là cảng nước sâu quan trọng của cả nước, được xếp loại cảng loại I và được quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt (IA), là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế thông qua hệ thống đường bộ và cảng biển Nghi Sơn. Để tăng khả năng phát triển, cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch mở rộng thêm về phía Bắc với tổng chiều dài khoảng 3 km, đồng thời nạo vét luồng cảng và nâng cấp cầu cảng Nghi Sơn đáp ứng cỡ tàu từ 70.000 -100.000 DWT.
Chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế tại cảng biển Nghi Sơn. (Ảnh: als.com.vn) |
Để phát huy những lợi thế và thúc đẩy việc thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn, từ năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các chính sách hỗ trợ hãng tàu và doanh nghiệp thực hiện vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng biển Nghi Sơn, cụ thể như: Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND ngày 04/4/2019 về hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn; Nghị quyết số 338/2020/NQ-HĐND ngày 06/10/2020 về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách khác nhau, trong đó có sự ảnh hưởng lớn của dịch covid-19 và suy thoái kinh tế, từ tháng 10/2021 đã không có chuyến tàu vận chuyển container cập cảng Nghi Sơn.
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn, ngày 13/7/2022, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 248/2022/HĐND về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa nâng mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng hỗ trợ đối với hãng tàu và doanh nghiệp.
Theo thống kê của tỉnh Thanh Hóa, hệ thống cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch tổng cộng 51 bến và khu bến, bao gồm: 21 bến tổng hợp, 20 bến và khu bến chuyên dụng và 10 bến container. Đến nay, có 27/51 bến, khu bến đưa vào hoạt động khai thác, gồm: Khu vực cảng tổng hợp có 15 bến đi vào hoạt động, gồm: 02 bến của Công ty CP cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa, 03 bến của Công ty CP đầu tư khoáng sản Đại Dương, 01 bến của Công ty CP hóa chất Gama Thanh Hóa, 03 bến của Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn; 01 bến của Công ty TNHH Quang Trung; 05 bến của Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn. 06 bến đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ triển khai đầu tư.
Một góc cảng Nghi Sơn. (Ảnh: als.com.vn) |
Khu bến chuyên dụng có 12 bến, khu bến đã đi vào hoạt động, trong đó: 05 bến của dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn; 01 bến của dự án Nhà máy Xi măng Nghi Sơn; 05 bến của các dự án thuộc Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn và 01 khu bến đã đi vào hoạt động một phần do Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP làm chủ đầu tư. Các bến và khu bến đang triển khai đầu tư xây dựng gồm: Khu bến GAS hóa lỏng & LNG; bến chuyên dụng của Công ty TNHH MTV Tân Thành 8; khu bến chuyên dụng của Công ty cổ phần xi măng Công Thanh.
Khu cảng container quy hoạch 10 bến cảng, trong đó đã chấp thuận chủ trương đầu tư 08 bến, gồm: 01 bến đang đầu tư xây dựng (bến số 3 của Công ty TNHH Long Sơn); 07 bến đang triển khai đầu tư xây dựng (03 bến số: 4, 5, 6 của Công ty TNHH Long Sơn và 04 bến của Công ty cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn); 02 bến chưa có nhà đầu tư với chiều dài bám biển khoảng 500m.
Khu neo đậu, chuyển tải đã đưa vào khai thác 02 khu của Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Nghi Sơn với khả năng có thể tiếp nhận tàu, thuyền có trọng tài trên 80.000 DWT vào chuyển tải; 01 bến phao SPM của Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn; 04 điểm neo đậu chuyển tải thuộc 02 Khu phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 với khả năng tiếp nhận tàu thuyền có trọng tải đến 210.000 DWT vào neo đậu, chuyển tải.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Nghi Sơn chưa đạt được như kỳ vọng. (Ảnh: als.com.vn) |
Đánh giá về tình hình hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Nghi Sơn, trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng biển Nghi Sơn hàng năm đạt trên 45 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 50% tổng lượng hàng qua Nhóm cảng biển số 2 (bằng cả cảng biển Nghệ An và Hà Tĩnh). Các mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ yếu gồm: Dăm gỗ, đá và các sản phẩm chế biến từ đá, xi măng, clinker; dầu thô, chế phẩm lọc hóa dầu (lưu huỳnh, hạt nhựa nguyên sinh, benzen); sản phẩm luyện kim...
Cụ thể như năm 2023; tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng khoảng 45,8 triệu tấn; tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn đạt 8,429 tỷ USD, bằng 85% so với năm 2022; tổng thu ngân sách Nhà nước của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn đạt 16.567 tỷ đồng, bằng 85,1% so với năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2024; tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng khoảng 25 triệu tấn; tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng đạt khoảng 4,82 tỷ USD, bằng 119% so với năm 2023; tổng thu ngân sách Nhà nước của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn đạt 9.949,5 tỷ đồng/13.356 tỷ đồng, bằng 130% so với năm 2023.
Hoạt động vận chuyển, bốc xếp hàng hóa tại cảng Nghi Sơn. (Ảnh: als.com.vn) |
Từ những số liệu trên cho thấy, mặc dù Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách và triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Nghi Sơn. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại đây chưa phát huy được hết tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có bến container đi vào hoạt động; lượng hàng hóa thông qua cảng chưa nhiều, chưa thu hút được các mặt hàng từ các tỉnh lân cận. Từ đó dẫn đến, các hãng tàu chưa mạnh dạn đặt tuyển tại cảng, các tuyến vận chuyển cũng chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Còn nhiều việc phải làm để 'nâng tầm' cảng biển Nghi Sơn
Để phát huy được lợi thế, tiềm năng của cảng biển Nghi Sơn và thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh đi vào thực tiễn có hiệu quả, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cần phải tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và của tỉnh Thanh Hóa nhằm thu hút các nhà đầu tư, hãng tàu và doanh nghiệp... thực hiện xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu các thủ tục hành chính đặc biệt các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, hải quan, thuế.
Phải ưu tiên đầu tư công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm logistics, cảng cạn ICD, hệ thống kho bãi tại Khu kinh tế Nghi Sơn và trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, làm việc với các hãng tàu, các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu kêu gọi mở tuyến vận tải biển bằng container qua cảng Nghi Sơn nhằm tăng số chuyến, đa dạng về số tuyến, giảm giá cước vận chuyển. Làm việc với các doanh nghiệp trong tỉnh, đang làm thủ tục hải quan tại các địa phương khác ưu tiên làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Nghi Sơn.
Cần tăng số chuyến, đa dạng về số tuyến, giảm giá cước vận chuyển của các hãng tàu, các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu bằng container qua cảng Nghi Sơn. (Ảnh: als.com.vn) |
Bên cạnh đó, kịp thời hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các hãng tàu và doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu nghiên cứu tìm hiểu vận chuyển hàng hóa qua cảng biển Nghi Sơn, tạo được sự kết nối giữa các đơn vị.
Các ngành chức năng tăng cường công tác giám sát các hoạt động xếp dỡ hàng hóa, dịch vụ lai dắt tại cảng, hoạt động vận tải đường bộ, kiểm soát về giá cước vận chuyển nội địa, đảm bảo ổn định, cạnh tranh công bằng, tránh việc chèn ép giá, gây đình trệ, bức xúc đối với các doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các bến container, hoàn thiện hạ tầng giao thông, khu vực cảng, máy móc, thiết bị... đủ đáp ứng nhu cầu của hãng tàu, khách hàng. Tăng cường xúc tiến đầu tư thu hút các doanh nghiệp; nhà đầu tư xây dựng các trung tâm logistics, cảng cạn ICD, hệ thống kho bãi tại Khu kinh tế Nghi Sơn và trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các nội dung trên, hằng năm phải tiến hành đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cảng Nghi Sơn ngày một phát triển.