Còn tồn tại nhiều tàu đánh bắt thủy sản vi phạm chống khai thác IUU
Sáng 3/2, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU).
Hội nghị có sự tham dự của đại diện 28 tỉnh thành có biển trong cả nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, sau 5 năm bị cảnh báo thẻ vàng khai thác thủy sản của EU (năm 2017), Việt Nam vẫn chưa khắc phục được những tồn tại theo khuyến nghị của EC.
Còn nhiều hạn chế trong thực hiện khắc phục thẻ vàng EC như lắp thiết bị hành trình đã hơn 96% nhưng nguy cơ cao lại nằm ở các tàu không lắp thiết bị hành trình; tàu vào không khai báo, tàu ra không kiểm soát hết được 100% (không kiểm soát được sản lượng khai thác thì không truy xuất được nguồn gốc)… Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng thời nhấn mạnh, nếu còn tàu vi phạm thì sẽ không bao giờ gỡ được thẻ vàng.
Tại hội nghị, Tổng cục Thủy sản đã thông tin về kết quả làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 3; một số nhiệm vụ trọng tâm để gỡ thẻ vàng của EC; chia sẻ kinh nghiệm của Khánh Hòa - địa phương mà thanh tra EC vừa kiểm tra trực tiếp vừa qua.
Tháng 10/2022, đoàn thanh tra của EC đã đến làm việc, kiểm tra việc thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại Việt Nam; đồng thời làm việc với lãnh đạo trung ương.
Tháng 12/2022, EC đã có báo cáo kết luận và thông tin những hạn chế còn tồn tại.
Đại diện 28 tỉnh thành có biển tham dự hội nghị |
Thông tin về kết quả làm việc với đoàn thanh tra của EC, Tổng cục Thủy sản cho biết, qua kiểm tra, EC ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua cũng như tinh thần sẵn sàng tiếp tục cải thiện và sự cởi mở của Việt Nam đối với các khuyến nghị của EC. Khung pháp lý của Việt Nam hiện toàn diện, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên, việc thực thi còn nhiều hạn chế và không đồng đều.
Qua thực tế kiểm tra tại tỉnh Khánh Hòa, EC đánh giá cao sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng tham gia chống khai thác IUU. Giám sát đội tàu đã được cải thiện, tuy nhiên, số lượng các trường hợp mất kết nối vẫn còn cao và cần có sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan chức năng của Việt Nam. Sự khác biệt giữa các tỉnh khiến hệ thống kiểm soát vẫn chưa đủ đến ngăn chặn hiệu quả thủy sản có nguồn gốc từ IUU.
EC chỉ ra vấn đề nghiêm trọng đã được xác định liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát thủy sản nhập khẩu dưới dạng container. Cùng với đó, vấn đề đáng lo ngại nhất còn tồn tại là số lượng tàu Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển các nước láng giềng.
Đã có 96,35% tàu cá khai thác thủy sản xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình |
Theo Tổng cục Thủy sản, qua kiểm tra, đến hết năm 2022, đã có 96,35% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); 86,7% tàu cá được cấp phép; có 157 lượt tàu từ 24m bị mất kết nối; chỉ trong tháng 01/2023 đã có tới 6 tàu bị Malaysia bắt giữ.
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ cùng trao đổi các giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác giám sát chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, để chuẩn bị tốt nhất cho đợt kiểm tra của EC vào tháng 5/2023 tới đây.