Thực hiện bình đẳng giới nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của lao động nam và nữ |
Hiện Bộ luật Lao động năm 2012 đang được Chính phủ tiến hành sửa đổi, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động; duy trì các chính sách đã có và phát huy tác dụng; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm tốt hơn về bình đẳng giới; tham khảo phương pháp tiếp cận mới, theo thông lệ quốc tế về bình đẳng giới.
Để góp phần thực hiện bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, DFAT đã hỗ trợ kỹ thuật cho Vụ Pháp chế của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan phụ nữ Liên hiệp quốc (UN Women) nhằm thúc đẩy các nguyên tắc và chính sách bình đẳng giới trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động 2012. Với tài trợ kỹ thuật của DFAT, nhóm chuyên gia Dự án Investing in Women đã thực hiện Báo cáo đánh giá tác động của chính sách bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới của người lao động để tham vấn về thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động của Việt Nam 2012.
Theo đó, Dự án Investing in Women đã đưa ra 5 giải pháp, gồm: Giải pháp 1: Người lao động có quyền nghỉ hưởng trợ cấp BHXH khi thực hiện biện pháp tránh thai, sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật BHXH; Giải pháp 2: Người lao động có quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ với điều kiện được thông tin đầy đủ về các công việc đó; Giải pháp 3: Người sử dụng lao động (NSDLĐ) được khuyến khích tham gia tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ một phần kinh phí gửi trẻ, mẫu giáo của người lao động. Chi phí của NSDLĐ khi thực hiện các biện pháp này và các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới khác được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước theo pháp luật về thuế; Giải pháp 4: Nhà nước có trách nhiệm, lập kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo ở nơi có nhiều người lao động với quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; Giải pháp 5: Hoàn thiện khái niệm quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc.
Sau khi đưa ra 5 giải pháp trên, các chuyên gia cũng đã phân tích các tác động cụ thể của các giải pháp tới chính lao động nam, nữ trong việc thực hiện quyền bình đẳng giới cũng như tác động đối với doanh nghiệp (DN), cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), và cả nền kinh tế.
Trong đó, với giải pháp 1, theo các chuyên gia sẽ tạo ra sự công bằng hơn (cả thuận lợi và khó khăn) trong công tác quản lý, sử dụng lao động giữa các DN sử dụng nhiều lao động nữ và DN sử dụng nhiều lao động nam vì quyền, cơ hội nghỉ làm việc hưởng trợ cấp BHXH được chia sẻ giữa lao động nam và lao động nữ khi họ thực hiện các biện pháp tránh thai, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi và chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau. Đồng thời, các chuyên gia nhấn mạnh đề xuất này sẽ không làm phát sinh chi phí tăng thêm so với tác động kinh tế của Luật BHXH năm 2014.
Riêng đối với giải pháp 2, theo các chuyên gia, sẽ có tác động tích cực đối với DN có các công việc ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản của lao động nam, nữ; qua đó giúp DN dễ dàng hơn trong tuyển dụng và sử dụng lao động ở các công việc trong danh mục theo đúng quy định của pháp luật; cũng như giảm bớt các vi phạm của DN trong lĩnh vực này. Mặt khác, giải pháp này có thể khiến cho công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động và thanh tra lao động phức tạp hơn do phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các DN thường xuyên quan tâm đến cải thiện điều kiện lao động, an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, các cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các DN có các công việc.
Còn tác động từ giải pháp 3, theo các chuyên gia, đối với lao động nam và nữ có con trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo họ sẽ được DN hỗ trợ trong trông nom, chăm sóc con trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, giúp họ yên tâm làm việc. Với DN, có thể làm tăng nghĩa vụ của DN do mở rộng đối tượng hỗ trợ tới lao động nam; khuyến khích DN tích cực hỗ trợ người lao động có con trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo thông qua việc Nhà nước giảm thuế theo các chi phí mà DN đã chi cho việc này; bảo đảm quyền lợi của DN khi thực hiện các chính sách này đồng thời cũng thể hiện cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và NSDLĐ trong việc hỗ trợ NLĐ chăm sóc con nhỏ, giúp họ yên tâm làm việc, gắn bó với DN.
Tại giải pháp 3, đối với Nhà nước, tác động của giải pháp được các chuyên gia nhấn mạnh đó là sẽ giảm phần chi phí của DN giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng cơ sở nuôi dạy trẻ dưới 5 tuổi cho lao động nam tại DN vừa và lớn; đồng thời sẽ giảm thuế thu nhập trên số chi phí giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động…
Thêm quyền và lợi ích cho nữ giới trong doanh nghiệp Việt Nam |