Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam |
Thông tin tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, CPTPP đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019, là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với chất lượng cao, mức độ cam kết sâu, không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống mà còn xử lý những vấn đề phi truyền thống, lao động công đoàn là một trong số đó.
Theo ông Hiểu, trong chương lao động và công đoàn, CPTPP đề cập đến các vấn đề cơ bản gồm thực hiện tất cả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản (theo tiêu chuẩn ILO); đối với các cam kết chung về lao động, các nước đồng ý cho Việt Nam lộ trình 3 năm để tiến hành sửa đổi, điều chỉnh luật pháp cho phù hợp cũng như tổ chức thực thi có hiệu quả; thời gian không áp dụng trừng phạt thương mại là 5 năm kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với việc thành lập tổ chức của người lao động tại cơ sở (ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam), thời gian không trừng phạt thương mại là 7 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với nghĩa vụ cho phép các tổ chức của người lao động tại cơ sở được phép liên kết với nhau.
Điểm đáng chú ý nhất của chương này đối với Việt Nam đó là cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức đại diện của NLĐ hoặc công đoàn ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Các tổ chức đại diện của NLĐ này về cơ bản có các quyền tương đương như công đoàn cơ sở thuộc hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tổ chức này có thể yêu cầu và nhận sự trợ giúp kỹ thuật và đào tạo từ các tổ chức hoạt động về lao động đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong CPTPP sẽ có những nội dung mới liên quan đến vấn đề lao động ở Việt Nam như đình công, lao động cưỡng bức, không sử dụng lao động nữ (trong một số công việc – PV), …
Với CPTPP, Việt Nam đã rất nỗ lực trong cải cách thể chế, GDP Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng thêm 1,1% vào năm 2030, tăng cơ hội thu hút đầu tư, cơ hội tiếp cận với các nguyên vốn quốc tế với chi phí thấp….
Đối với người lao động, CPTPP sẽ tạo cơ hội cho người động học hỏi tiến bộ khoa học – công nghệ, nâng cao trình độ tay nghề và tăng khả năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có thêm cơ hội lựa chọn nghề nghiệp….
Tuy nhiên, CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức như nguồn nhân lực Việt Nam dồi dào nhưng lực lượng lao động kỹ thuật cao còn hạn chế; tính cạnh tranh trong các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp sẽ khốc liệt hơn, trong khi năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế; việc tái cơ cấu doanh nghiệp cũng dẫn đến việc giảm lao động, nhất là ở một số lĩnh vực, ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản….
CPTPP mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Công đoàn Việt Nam |
Đối với công đoàn Việt Nam, CPTPP với các yêu cầu về lao động và công đoàn là lúc để hệ thống pháp lý của Việt Nam phải hoàn thiện phù hợp với tổ chức lao động quốc tế (ILO), tổ chức công đoàn Việt Nam sẽ đứng trước ngưỡng cửa đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động để là nơi đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Ngược lại, CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức cho tổ chức Công đoàn như việc người lao động được tự thành lập tổ chức đại diện của NLĐ hoặc công đoàn ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ khiến số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở có khả năng tăng chậm hơn so với giai đoạn trước; Công đoàn Việt Nam vừa làm nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, vừa làm nhiệm vụ của một đoàn thể chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong khi tổ chức đại diện người lao động ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam chỉ tập trung làm nhiệm vụ là đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động nên tổ chức đại diện người lao động ngoài hệ thống công đoàn Việt Nam có lợi thế hơn trong việc thu hút sự quan tâm của người lao động qua những hoạt động trọng tâm. Ngoài ra, cạnh tranh công đoàn, lôi kéo người lao động gây mất ổn định chính trị, khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp cũng là một nguy cơ không loại trừ….
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng đưa ra những giải pháp Công đoàn Việt Nam tập trung thực hiện trong thời gian tới như truyên truyền về nội dung, thời cơ và thách thức của CPTPP đối với Công đoàn Việt Nam đến cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động; đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động, vì người lao động; tập trung phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp; tập trung xây dựng đội ngũ công đoàn đủ về số lượng, mạnh về chất lượng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; kiến nghị với Đảng ban hành Nghị quyết về Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động Công đoàn Việt Nam; phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; chỉ đạo lãnh đạo các địa phương về việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Kiến nghị với Nhà nước về việc sửa đổi pháp luật có liên quan.
Tại hội nghị, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng thông tin một số vấn đề lớn đặt ra trong lĩnh vực quan hệ lao động và tổ chức công đoàn Việt Nam hiện nay; và về tác động của CMCN 4.0 tới công nhân và hoạt động công đoàn.