Nước Nga - Thành viên quan trọng trong Liên minh Hải quan.
CôngThương - Liên minh Hải quan Belarus, Kazakhstan, Nga
LMHQ bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2010, thống nhất quản lý về thuế và các quy định về phi thuế quan trong hoạt động xuất nhập khẩu của các nước thành viên. Bộ Luật hải quan của LMHQ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2010, và từ ngày 1/7/2011 ba nước đã thực hiện dỡ bỏ yêu cầu thông quan tại các biên giới chung trong nội bộ LMHQ đối với hàng hóa, phương tiện vận tải được nhập khẩu từ nước ngoài vào để tiêu dùng tại lãnh thổ LMHQ. Nga, Belarus và Kazakhstan đã áp dụng Biểu thuế nhập khẩu thống nhất và các quy định chung khác đối với hàng nhập khẩu từ nước thứ ba. Trong đó, các mức thuế thuộc Biểu thuế này đã và sẽ được điều chỉnh theo cam kết gia nhập WTO của Nga.
Từ ngày 1/1/2012, các nước LMHQ bắt đầu triển khai xây dựng Không gian kinh tế Á- Âu, nhằm tạo ra một thị trường chung đối với lao động, dịch vụ, hàng hóa giữa các nước thành viên.
LMHQ được thành lập đã tạo nên một thị trường 170 triệu dân, với trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú, có tổng GDP trên 2.100 tỷ USD và kim ngạch ngoại thương đạt khoảng 1.000 tỷ USD.
Quan hệ kinh tế- thương mại với Việt Nam
Về quan hệ kinh tế- thương mại, trong giai đoạn 3 năm (2009 - 2011), thương mại hai chiều Việt Nam- LMHQ tăng trưởng ở mức bình quân 6%/năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu song phương năm 2011 đạt 2,2 tỷ USD. So với tổng giá trị ngoại thương của Việt Nam ở mức trên 200 tỷ USD và xấp xỉ 1.000 tỷ USD của LMHQ, đây là con số hết sức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ truyền thống, hữu nghị tốt đẹp của các bên.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga tăng 39% so với cùng kỳ năm 2011 và đạt 1.135 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga tăng 34%, đạt 681 triệu USD; nhập khẩu của Việt Nam từ Nga tăng 46%, đạt 454 triệu USD. Đối với Belarus, kim ngạch thương mại hai chiều giảm 49%, đạt 65 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Belarus giảm 42%, đạt 4 triệu USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Belarus giảm 49%, đạt 61 triệu USD. Đối với Kazakhstan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương tăng 123%, đạt 32 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Kazakhstan tăng 188%, đạt 7 triệu USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Kazakhstan tăng 109%, đạt 25 triệu USD.
Hợp tác về đầu tư và công nghiệp giữa Việt Nam và các nước thành viên LMHQ hiện nay vẫn còn ở mức khiêm tốn, chủ yếu là giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến giữa tháng 11/2012, Nga đứng thứ 24 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với với 87 dự án, tổng vốn đầu tư trên 900 triệu USD. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào Nga đạt khoảng 1,7 tỷ USD. Nga đứng thứ 6 trong số các quốc gia có đầu tư trực tiếp của Việt Nam.
Tác động cộng hưởng
Có thể nhận thấy, kể từ khi Liên bang Xô viết tan rã cho đến nay, nguyên nhân chủ yếu khiến quan hệ hợp tác kinh tế- thương mại giữa Việt Nam với Nga, Belarus và Kazakhstan chưa tương xứng với tiềm năng là do các hiệp định hợp tác song phương tuy đã được ký kết trên nhiều lĩnh vực nhưng còn mang tính hình thức, do vậy không phát huy được hiệu lực; doanh nghiệp hai bên chưa có cơ sở pháp lý chắc chắn để thiết lập quan hệ lâu dài với nhau.
Vì vậy, một hiệp định thương mại tự do (FTA) toàn diện song phương sẽ là điều kiện cần thiết để tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, khơi thông dòng chảy thương mại, đầu tư giữa hai bên, góp phần quan trọng để khai thác thế mạnh, tiềm năng và truyền thống vốn có giữa Việt Nam với các nước LMHQ. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thành viên LMHQ và ngược lại không mang tính cạnh tranh mà mang tính bổ trợ cao cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các bên. Việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan sẽ thúc đẩy doanh nghiệp các bên mở rộng chủng loại hàng hóa xuất khẩu, tận dụng các lợi thế so sánh để tăng thị phần xuất khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng xuất khẩu sang thị trường LMHQ hàng may mặc, thủy sản, điện tử, đồ gỗ..., các doanh nghiệp LMHQ đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như dầu khí, chế tạo, cơ khí,...
Bên cạnh đó, các nước LMHQ là những quốc gia có nền công nghiệp phát triên tương đối cao trong các lĩnh vực như năng lượng, dầu khí, công nghệ chế tạo máy,... FTA sẽ giúp doanh nghiệp hai bên học hỏi kiến thức để cùng phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời cũng tạo cơ hội cho Việt Nam tranh thủ tiếp thu công nghệ tiên tiến của LMHQ, góp phần hiện đại hoa nền kinh tế.
Đối với lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, phân tích quan hệ song phương cho thấy, đầu tư trực tiếp từ LMHQ vào Việt Nam cũng như từ Việt Nam sang LMHQ sẽ tăng nhờ các cam kết tự do hóa và môi trường đầu tư thuận lợi hơn, chất lượng đầu tư được cải thiện hơn. Các lĩnh vực khác của nền kinh tế cũng sẽ nhận được những tác động tích cực như: Quy mô sản xuất một số mặt hàng tăng lên, việc làm cho người lao động được cải thiện.
Thông qua FTA, các nước thành viên LMHQ có thể tăng cường đầu tư vào Việt Nam tại nhiềulĩnh vực khác mà bạn có thế mạnh, như khai thác và chế biến dầu khí, sản xuất điện, sản xuất lắp ráp ôtô các loại, xe tải và các phương tiện ngành xây dựng khác, động cơ ôtô, dịch vụ ngân hàng, giáo dục và đào tạo..., đồng thời, Việt Nam có thể đẩy mạnh đầu tư sang các nước thành viên LMHQ trong các ngành công nghiệp nhẹ như sản xuất hàng gia dụng; chế biến đồ gỗ; chế biến chè, cà phê... Hai bên có cơ hội đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ như y học cổ truyền, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông... Ngoài ra, những cơ sở do LMHQ đầu tư tại Việt Nam có thể mở rộng đầu tư sang các nước láng giềng của Việt Nam hoặc xuất khẩu sang thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và các nước LMHQ có tác động cộng hưởng lớn, một mặt góp phần tăng trưởng xuất khẩu, mặt khác giúp cân bằng quan hệ thương mại với các thị trường trọng điểm.