Quả vải được bảo quản bằng mẫu Z5 và S5 (chứa hàm lượng silica 5%) ở 2-4 độ C cho hiệu quả cao nhất, có thể bảo quản trong 4 tuần với tỷ lệ hư hỏng thấp hơn 15%.
CôngThương - Mới đây,Viện Hoá học (Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu thành công một số vật liệu dùng bảo quản quả (vải, nhãn, mận) trong thời gian dài mà vẫn giữ được chất lượng…
Hiện nay, có nhiều phương pháp bảo quản hoa quả, nhưng có 2 phương pháp chính. Thứ nhất, bảo quản bằng lớp phủ ăn được. Lớp phủ ăn được là lớp vật liệu mỏng được phủ trên bề mặt sản phẩm để thay thế lớp sáp bảo vệ tự nhiên và cung cấp một lớp chắn ẩm, oxy cho thực phẩm. Các lớp phủ này được tạo trực tiếp trên bề mặt hoa quả bằng cách nhúng, phun hay quét để tạo ra một khí quyển biến đổi (MA). Thứ hai là bảo quản bằng bao gói khí quyển biến đổi (MAP). MAP bao bọc sản phẩm thực phẩm trong các vật liệu chắn khí, trong đó môi trường khí được thay đổi để ức chế tác nhân gây hư hỏng. Nhờ đó có thể duy trì chất lượng cao cho các thực phẩm dễ hỏng trong quá trình sống tự nhiên hay kéo dài thời hạn sử dụng.
Sau một thời gian áp dụng, các nhà khoa học đã chứng minh rằng, công nghệ MAP cho hiệu quả tốt và tiềm năng triển khai ứng dụng thực tế cao. Theo hướng này, Viện Hóa học đã nghiên cứu thành công một số vật liệu dùng bảo quản quả (vải, nhãn, mận) trong thời gian dài mà vẫn giữ được chất lượng quả. Nổi bật nhất là màng bao gói khí quyển biến đổi (màng MAP) được biến đổi từ nhựa polyetylen tỷ trọng thấp (LDPE) kết hợp với một số chất phụ gia vô cơ như silica, zeolit, bentonit. Đây là một trong những thành quả của đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu sử dụng trong lĩnh vực bảo quản quả (vải, nhãn, mận)” thuộc chương trình khoa học – công nghệ cấp Nhà nước KC02.20/06-10, do TS. Đinh Gia Thành làm chủ nhiệm đề tài.
Trong đề tài nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học đã xây dựng thành công quy trình công nghệ chế tạo màng MAP năng suất 20kg/giờ và chế tạo được 500 kg sản phẩm phục vụ thử nghiệm, sản phẩm mẫu. Kết quả nghiên cứu, bảo quản đối với các 3 loại quả vải, nhãn, mận bằng màng MAP ở nhiệt độ lạnh 2 - 4 độ C như sau: mận được bảo quản bằng mẫu màng Z5 (chứa phụ gia zeolit hàm lượng 5%) cho hiệu quả cao nhất, có thể bảo quản trong 8 tuần mà không làm thay đổi đáng kể các chỉ tiêu chất lượng, cảm quan của quả. Đối với quả vải được bảo quản bằng mẫu Z5 và S5 (chứa hàm lượng silica 5%) ở 2-4 độ C cho hiệu quả cao nhất, có thể bảo quản trong 4 tuần với tỷ lệ hư hỏng thấp hơn 15%. Đối với nhãn, màng Z7 (chứa phụ gia zeolit hàm lượng 7 %) và màng S5 cho kết quả tốt nhất, bảo quản trong 4 tuần, chưa phát hiện quả thối, hỏng.
So với màng MAP CE44 do Hàn Quốc sản xuất thì mẫu màng do các nhà khoa học Viện Hoá học chế tạo như Z5, Z7 và S5 có hiệu quả bảo quản tương đương từ 95 – 100%. So với phương pháp bảo quản quả truyền thống khác, màng MAP cho thời gian bảo quản quả lâu hơn mà vẫn giữ được chất lượng của quả (từ khối lượng, màu sắc cho đến mùi vị). Đặc biệt bảo quản quả bằng màng MAP ở nhiệt độ lạnh cho kết quả tối ưu nhất. Ưu điểm khác của màng MAP là cách sử dụng khá đơn giản và không gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.
Với thành công trong việc nghiên cứu vật liệu bảo quản quả trên, hiện các nhà khoa học đã nộp đơn đăng ký độc quyền sáng chế về công nghệ chế tạo màng MAP. Màng MAP được khuyến cáo sử dụng cho các loại quả nêu trên, phục vụ cho XK. Trong tương lai, sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này cho các loại rau quả khác và tăng cường chuyển giao công nghệ áp dụng trên cả nước.