CôngThương - Đầu tư theo chiều sâu
Thực tế thời gian qua, CNĐT nước ta chưa tạo được mũi nhọn đột phá, thế mạnh riêng về sản phẩm vì phần lớn các sản phẩm công nghiệp phụ trợ đều nhập khẩu hoàn toàn. Nguyên do là ngành CNĐT chưa chú trọng đến phát triển cơ sở hạ tầng và đồng bộ các yếu tố phụ trợ, sản phẩm chủ yếu là gia công lắp ráp.
Hiện nay, các DN Việt Nam như VTB (Viettronics Tân Bình) Belco (Viettronics Biên Hòa), Tiến Đạt, Nikko... chủ yếu lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng và điện lạnh phục vụ thị trường tiêu thụ nội địa. Một trong những cố gắng và nỗ lực của các DN Việt Nam là từ lắp ráp gia công, đã từng bước nghiên cứu, thiết kế và đưa vào chế tạo được nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, như Belco, Hanel, Hòa Phát, Tiến Đạt... để sản xuất ra các linh kiện xuất khẩu. Có một thời gian, chúng ta đã sản xuất được những sản phẩm có thương hiệu riêng chiếm lĩnh thị trường như tivi VTB, tivi Nikko, những sản phẩm từng là thế mạnh trên thị trường như tivi CRT (màn hình gương), đầu karaoke, đầu DVD, loa, ampli mang nhãn hiệu Belco, VTB, Hanel… nay phải dạt về các vùng xa với số lượng khá khiêm tốn.
Ông Đỗ Quang Hùng- Chủ tịch Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam- nhận xét: Các DN Việt Nam nên tập trung đầu tư theo chiều sâu thay vì đầu tư dàn trải theo chiều rộng như thời gian vừa qua và chủ động tìm kiếm đối tác trong khu vực, nhất là các nước có CNĐT phát triển để chào mời họ hợp tác sản xuất, đầu tư, chuyển giao công nghệ. Nói cách khác, chỉ nên chọn một chuyên ngành, tập trung vào một lĩnh vực sản xuất loại sản phẩm mà mình có thế mạnh nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao để có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Ông Đậu Mạnh Hùng - Công ty Cổ phần Nikko Việt Nam - khẳng định, đây là ngành đòi hỏi đầu tư vốn lớn nhưng lợi nhuận đạt được rất thấp. Muốn nâng cao sức cạnh tranh, cần nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm, nếu không ngành CNĐT nước ta sẽ không thoát khỏi lắp ráp, gia công.
Cần có sự liên kết
Một trong những đặc điểm cơ bản của ngành CNĐT thế giới là tính chuyên môn hóa và toàn cầu hóa: thay đổi cơ cấu sản xuất và phương thức sản xuất. Theo đó, các công ty, tập đoàn lớn đã không còn “bao sân” từ A đến Z quá trình sản xuất mà chỉ tập trung vào một số khâu có giá trị gia tăng cao (nghiên cứu và phát triển, tiếp thị, bán hàng…), còn lại họ thuê các công ty khác dưới hình thức đấu thầu. Quá trình sản xuất cũng được phân chia thành nhiều công đoạn, bố trí mỗi công đoạn ở nhiều quốc gia khác nhau theo yêu cầu và điều kiện cụ thể, tạo ra một mạng lưới sản xuất sản phẩm điện tử mang tính toàn cầu. Mạng lưới này cung ứng các dịch vụ sản xuất, linh kiện, phụ tùng, xây dựng và vận hành các dây chuyền lắp ráp, vận chuyển, phân phối sản phẩm như một chuỗi khép kín. Các công ty, tập đoàn lớn sử dụng mạng lưới này để giảm chi phí sản xuất và vận chuyển. Việt Nam nằm trong khu vực Đông Á, là khu vực có ngành CNĐT phát triển rất mạnh trên thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN,...) nên cũng không nằm ngoài sự phát triển chung đó.
Còn theo ông Ngô Văn Vị- Tổng giám đốc VTB: “CNĐT - tin học Việt Nam muốn phát triển bền vững phải chú trọng công tác nghiên cứu và phát triển. Nhà nước phải có những chính sách đúng nhằm phát triển năng lực của các DN”.
Chính vì vậy, các DN điện tử Việt Nam cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau để từng bước hình thành một mảng chuyên biệt trong ngành CNĐT toàn cầu. Dựa vào những lợi thế tiềm năng về tài nguyên, nguồn nhân lực trẻ tập trung phát triển các sản phẩm điện tử chuyên dùng, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao để từng bước nâng cao năng lực của các DN và xây dựng thượng hiệu Việt cho các sản phẩm của ngành này.
Cũng theo lời ông Đỗ Quang Hùng, hiện nay, Việt Nam có ưu điểm nổi bật so với các nước khác là dân số rất trẻ, trên 50% dưới 30 tuổi. Nếu tổ chức đào tạo tốt đội ngũ ấy thì có thể hình thành những chuyên gia đầu ngành trong cả lĩnh vực phần mềm lẫn phần cứng. Từ đó, ngành CNĐT sẽ lớn mạnh lên.