Công Thương Ninh Bình: Những con số ấn tượng
Năm 2016, xuất khẩu của Ninh Bình ước đạt 1 tỷ USD |
Bà Phạm Thị Hồng - Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình - cho biết, ngay từ đầu năm, xác định những khó khăn cũng như diễn biến của nền kinh tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã chủ động triển khai Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, triển khai các chỉ thị của Chính phủ và các bộ ngành trung ương; kịp thời ban hành nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, cùng với sự phối hợp của các ngành, các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, do vậy tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn Ninh Bình tiếp tục có chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 24.258,8 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường ước đạt 15.595,2 tỷ đồng; kim ngạch XK ước đạt 700,8 triệu USD...
Nằm trong vùng công nghiệp đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch.
Về phát triển công nghiệp, Ninh Bình đã tập trung xây dựng và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, đã có 5 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích 901,42ha, thu hút 99 dự án đầu tư với tổng vốn gần 31.040,6 nghìn tỷ đồng và 701,8 triệu USD, tạo việc làm cho trên 28.000 lao động. Ngoài ra, địa phương đã thành lập và triển khai đầu tư xây dựng 13 cụm công nghiệp với tổng diện tích 357,98ha, thu hút được 56 dự án của các doanh nghiệp và 96 hộ sản xuất được cấp phép đầu tư vào cụm công nghiệp, tạo việc làm cho trên 5.300 lao động. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.
Để có được thành tích XK ấn tượng như những năm gần đây, Ninh Bình đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng các thị trường truyền thống, khai thác, phát triển các thị trường XK mới.
Trong phát triển thị trường nội địa, tỉnh đã tập trung chỉ đạo huy động các nguồn vốn xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ dân sinh, phát triển các loại hình kinh doanh thương mại văn minh hiện đại như: Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có các trung tâm thương mại lớn như: Big C, VinMart, Trần Anh… tạo điều kiện cho lưu thông, phân phối hàng hóa phát triển.
Có thể nói, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại đã phát triển cả ở địa bàn thành phố và vùng nông thôn đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Ninh Bình là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết năm 2015 đã có 40 xã, phấn đấu đến cuối năm 2016 có 61 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó Hoa Lư là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển công nghiệp, thương mại đề ra trong năm 2016, làm tiền đề cho những năm tiếp theo, ngành Công Thương Ninh Bình đã đề ra các giải pháp và tập trung một số trọng tâm công tác trong các linh vực công nghiệp, thương mại, khuyến công và xúc tiến thương mại… Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình và thủ tục, giảm mạnh thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân.
Năm 2016, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 37.195 tỷ đồng, tăng 1,12% so với thực hiện năm 2015. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 30.960 tỷ đồng, tăng 1,11% so với thực hiện năm 2015. |