Nằm tại cực Đông Bắc của Tổ quốc, tỉnh Quảng Ninh được Trung ương xác định là trung tâm liên kết vùng, có vai trò đặc biệt trong thúc đẩy kinh tế khu vực. Đây cũng là cơ hội, thời cơ để tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh đặc thù, riêng có, từ đó ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng kết nối, nhất là các công trình kết nối liên vùng.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị "Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện được vai trò nòng cốt, dẫn dắt phát triển liên kết vùng, tiên phong tham vấn những cơ chế, chính sách và dành nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kỹ thuật, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững cả vùng và quốc gia.
Một góc TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Song Hà |
Thời gian gần đây, Quảng Ninh và Hải Phòng tiếp tục thúc đẩy trao đổi hợp tác liên kết mạnh mẽ hơn trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, về phát triển hạ tầng giao thông, hai bên đã triển khai đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp QL10, đoạn từ nút giao với QL18A (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (TP. Hải Phòng), dự án xây dựng cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng.
Đặc biệt, tích cực phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý nhà nước về vận tải đường bộ, đường thủy, cảng biển; phát triển vận tải hành khách công cộng (xe điện, xe bus...) kết nối từ trung tâm TP. Hải Phòng đến trung tâm TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và ngược lại, góp phần giao thương, phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 địa phương và kết nối phát triển kinh tế liên tỉnh, vùng, liên vùng.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng tích cực hỗ trợ, phối hợp với TP. Hải Phòng trong việc xử lý thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp để khai thác nhanh chóng, hiệu quả cảng biển Quảng Ninh và cảng biển Hải Phòng; ban hành quy chế phối hợp liên quan đến giải quyết thủ tục hải quan, kiểm định, kiểm hóa hàng xuất nhập khẩu thông qua cảng, góp phần kết nối khu vực tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với tỉnh Hải Dương để đầu tư xây dựng cầu Triều, đường ven sông từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, kết nối từ đường ven sông sang thị xã Kinh Môn và TP. Chí Linh (tỉnh Hải Dương)... Đồng thời, triển khai xây dựng tuyến đường nối từ QL279 (xã Tân Dân, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đến đường tỉnh 291 (thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang), cũng như tuyến đường tỉnh 342 nối từ TP. Hạ Long lên huyện Ba Chẽ sang tỉnh Lạng Sơn để khai thác không gian núi rừng, mở ra cơ hội cho phát triển du lịch Quảng Ninh và các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng...
Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ninh định hình tương lai kết nối hạ tầng giao thông quốc gia thông qua 3 tuyến cao tốc (Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng; Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái); 7 tuyến quốc lộ (QL18A, QL18B, QL18C, QL279, QL10, QL17B, QL4B); 3 tuyến đường sắt quốc gia (Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hạ Long - Móng Cái) và hệ thống các cảng biển phục vụ vùng, quốc gia, quốc tế.
Từ định hướng này, Quảng Ninh tạo ra hệ thống giao thông tổng thể, đồng bộ, thông suốt, giữ vai trò gắn kết phát triển liên kết vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối các nước ASEAN với Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á.
Cầu Bình Minh được khánh thành, đưa vào sử dụng ngày 1/1/2024. Ảnh: Song Hà |
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh, các dự án hạ tầng giao thông đang được tỉnh đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ khơi thông và thúc đẩy tiềm năng các khu vực động lực của tỉnh, như Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Đông Triều.
Đặc biệt, nhiều tuyến giao thông gắn kết phát triển giữa vùng động lực với vùng khó khăn cũng như liên thông, tổng thể với các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Hồng, tạo ra những giá trị, động lực phát triển mới của tỉnh và khu vực.
Với vai trò là một tỉnh thành viên của vùng Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Quảng Ninh gắn kết chặt chẽ sự phát triển giữa các thành phần kinh tế của tỉnh cũng như của vùng, tạo ra những giá trị cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Năm 2023, Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 11,03%, đứng thứ nhất các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước, là năm thứ 9 liên tiếp tăng trưởng đạt 2 con số (2015-2023); thu ngân sách nhà nước đạt trên 55.600 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3,1 tỷ USD, gấp 3,1 lần kế hoạch năm, đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã đưa nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW, tạo sự đột phá về phát triển kinh tế nhanh, bền vững, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng. Cùng với đó, ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng bền vững, bao trùm; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững 2 con số; thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhất là những khu công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Theo TS. Hà Thị Thùy Dương - Trưởng Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị khu vực IV, Quảng Ninh rất chủ động, mạnh dạn trong thực hiện các mô hình mới, chưa có tiền lệ và đạt được hiệu quả rất cao. Đồng thời, với vai trò là tỉnh phát triển của vùng, Quảng Ninh tích cực tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách cho tỉnh cũng như của vùng, thậm chí có tầm ảnh hưởng quốc gia.
Những điều này đã giúp cho Quảng Ninh luôn giữ vững đà tăng trưởng GRDP trên 2 con số trong nhiều năm liên tiếp, ngay cả khi đất nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trước sự phát triển vượt bậc của Quảng Ninh, các tỉnh, thành phố trên cả nước lấy Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu để học tập, noi theo.