Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 18/4: Xuất khẩu tăng mạnh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Cụ thể, về vấn đề xuất nhập khẩu, tờ Quân đội Nhân dân có bài “Quý I-2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 176,75 tỷ USD”.
Bài báo dẫn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, tổng giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 3/2022 đạt mức cao kỷ lục với giá trị là 67,37 tỷ USD, tăng 38,1%, tương đương 18,6 tỷ USD so với tháng trước.
Trong đó, giá trị xuất khẩu là 34,71 tỷ USD, tăng 48,2%, tương ứng tăng 11,3 tỷ USD, và giá trị nhập khẩu là 32,66 tỷ USD, tăng 28,7%, tương ứng tăng 7,3 tỷ USD.
Tính chung cả quý I/2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 176,75 tỷ USD, tăng 14,3%, tương ứng tăng 22,09 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 89,1 tỷ USD, tăng 13,4%, tương ứng tăng 10,55 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 87,64 tỷ USD, tăng 15,2%, tương ứng tăng 11,54 tỷ USD.
Tuy xuất nhập khẩu tăng mạnh, nhưng khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Cùng với đó, những “rủi ro” đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn đang hiện hữu do khó khăn trong logistics và những chiếc “bẫy” vẫn được đối tác nước ngoài đưa ra để lừa đảo, chiếm đoạt hàng hóa của doanh nghiệp Việt.
Quý I-2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 176,75 tỷ USD |
Liên quan đến khó khăn trong logictics, tờ Đầu tư có bài, “Doanh nghiệp xuất khẩu “lỗi hẹn” giao hàng vì phụ thuộc hãng tàu”. Theo bài báo, trên các diễn đàn về logistics, nhiều doanh nghiệp liên tục than phiền về tình trạng bị các hãng tàu vận chuyển “giam” hàng. Điều này không chỉ khiến sản phẩm bị hư hại do để lâu ngày, mà còn khiến doanh nghiệp “mất điểm” với khách hàng vì không giao hàng đúng hẹn.
Chẳng hạn, Công ty A.N.T Shipping có đặt chỗ để vận chuyển một lô hàng với Công ty Kinh doanh vận tải biển (NVOCC). Thế nhưng sau đó, Công ty NVOCC đã “bán lại” đơn hàng cho Hãng tàu CMA. Ban đầu, ngày tàu chạy dự kiến là 2/3/2022, nhưng không biết vì lý do gì mà lô hàng liên tục bị trì hoãn.
Theo lời kể của anh Nguyễn Minh Hiếu, người đại diện Công ty A.N.T Shipping, sau nhiều lần trễ hẹn, bên hãng tàu hứa hẹn sẽ cho hàng lên tàu vào ngày 4/4/2022 (tức trễ hơn 1 tháng). Thế nhưng, đến ngày 4/4, anh kiểm tra trên hệ thống của cảng Cát Lái và được biết, lô hàng vẫn chưa được đưa lên tàu.
Trong khi đó, ở một khía cạnh khác, tờ Tiền Phong đưa thông tin “Bẫy lừa” doanh nghiệp xuất khẩu”. Theo bài báo, lợi dụng doanh nghiệp Việt xuất khẩu còn để xảy ra cơ sở, nhiều đối tượng nước ngoài đã lừa đảo chiếm đoạt hàng và tiền. Các đối tượng ở nước ngoài vòng vo, tạo ra bẫy lừa khá tinh vi nên nhiều doanh nghiệp đã thành nạn nhân và bị thiệt hại lớn.
Để hạn chế tình trạng này, mới đây Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc khẩn cấp cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt tuyệt đối tránh giao dịch với đối tượng nhập khẩu lừa đảo có tên trực tiếp giao dịch là Khalid, tên công ty là KN Universe Plastic.
Cụ thể, đối tượng trên đã lừa đảo một doanh nghiệp xuất khẩu nhựa nguyên liệu của Việt Nam bằng cách thông báo có người nhà mắc Covid-19 nên sẽ thanh toán sau để câu giờ, đồng thời cấu kết với các đối tượng có liên quan để thông quan lô hàng nhưng không thanh toán, lảng tránh mọi liên hệ.
Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, tờ Vneconomy có bài: “Năng lượng tái tạo: Quyết liệt gỡ bỏ “điểm nghẽn””. Bài báo dẫn dự báo của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, với tốc độ phát triển như hiện nay và trong tương lai, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng với tốc độ cao, khoảng 8,5%/năm đến 2030 và 4%/năm giai đoạn 2031- 2045. Vì vậy, nguồn điện phải tăng cao đáp ứng nhu cầu.
Trong khi đó, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí metan vào năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu này, không còn con đường nào khác là phải thay thế điện than bằng các nguồn điện tái tạo (gió, mặt trời…). Dẫu vậy, từ thực tế triển khai cho thấy, các nguồn điện của tương lai vẫn đang có những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ...
Trong đó, một trong những giải pháp là, cần sớm xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách về thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường đến quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực đồng bộ để thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn tín dụng xanh vào lĩnh vực điện gió. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp đầu tư dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo.
Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cần sớm ban hành chính sách về giá điện trong thời gian tới, bảo đảm minh bạch, nhất quán tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tại Việt Nam. Bộ Tài chính cần nghiên cứu, xây dựng các quy định chi tiết về trái phiếu “xanh” như ban hành các quy định, điều kiện về trái phiếu “xanh”, các tiêu chuẩn lựa chọn dự án xanh” đối với doanh nghiệp.
Tờ Thông tấn xã cũng có bài, “Việt Nam thúc đẩy tiết kiệm năng lượng nhằm mục tiêu kép”, bài báo đưa ra dự báo,, đến năm 2050, nhu cầu về năng lượng ở Việt Nam sẽ tăng 15 lần và chất thải carbon phát ra do tiêu dùng năng lượng sẽ tăng 16 lần so với 2000. Bởi vậy, nếu không kịp thời có những chính sách phát triển năng lượng bền vững thì Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng trầm trọng.
Theo đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được coi là cách phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững. Việc tiết kiệm năng lượng được chia thành hai loại hình cơ bản. Tiết kiệm năng lượng chủ động là việc thông qua sự đo lường, giám sát và kiểm soát mức độ sử dụng năng lượng để thực hiện những thay đổi thường xuyên mang tính chủ động để tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm năng lượng thụ động là việc triển khai các biện pháp tiết kiệm như sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, tắt điện khi không sử dụng.
Bên cạnh xuất nhập khẩu, năng lượng, công tác quản lý thị trường cũng được nhiều tờ báo đề cập, điển hình báo Lao động có bài: Hà Tĩnh bắt giữ lô hàng trị giá khoảng 100 triệu đồng không rõ nguồn gốc.
Theo bài báo, ngày 17/4, Công an huyện Can Lộc phát hiện, bắt giữ xe ôtô tải biển kiểm soát 89C - 826.35 vận chuyển 9.600 viên thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, 3.000 kit test Covid-19 và 220 chai rượu ngâm không rõ nhãn mác.
Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Nguyễn Hoàng Hải (sinh năm 1992, trú tại thôn Đại Hạnh, xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) không xuất trình được giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ của tất cả các hàng hoá trên.
Tổng giá trị hàng hoá trên ước tính khoảng hơn 100 triệu đồng. Hiện Công an huyện Can Lộc đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hoá đó để xử lý theo quy định.
Tờ An ninh Thủ đô có bài: Thu giữ hơn 40 bình “khí cười” phục vụ các “dân chơi” ở quận Hoàn Kiếm. Bài báo đưa thông tin, sau một thời gian dài đóng cửa để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ 0h ngày 8-4, các quán bar, karaoke, massage, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện được phép mở lại.
Để đảm bảo an ninh trật tự, cũng như tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”, tổ công tác liên ngành quận Hoàn Kiếm trong 2 ngày 8 và 9-4 đã kiểm tra 17 cơ sở kinh doanh. Tại đây, Tổ công tác liên ngành quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã phát hiện 5 cơ sở vi phạm, thu giữ hơn 40 bình “khí cười”.