Trong lĩnh vực thị trường, báo VietnamPlus có bài viết “Bộ Công Thương: Lên kịch bản tháng, quý để điều hành giá xăng dầu”. Bài viết nêu lời của ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Bộ Công Thương đã lên kịch bản của cả năm cũng như kịch bản của từng quý, hằng tháng, liên tục rà soát lại các nguồn từ trong nước và nguồn nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu cao nhất là đủ xăng dầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.
“Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu là luôn phải bám sát với diễn biến của giá thế giới, cũng như phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp-Nhà nước và người dân, người tiêu dùng. Vì vậy, liên bộ Công Thương-Tài chính đã sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá để góp phần vào mục tiêu kiểm soát lạm phát cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân”, tác giả bài viết phản ánh.
Nêu đề xuất mang tính dài hạn và quyết liệt của Bộ Công Thương nhằm hạn chế tình trạng biến động giá xăng dầu, báo Công Thương có bài viết “Hãm đà tăng giá xăng dầu: Trông vào “van” thuế?”. Theo đó, Việt Nam cần xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia về xăng dầu để ổn định nguồn cung, chủ động điều tiết giá. Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền có cơ chế tách bạch dự trữ quốc gia và thương mại, đồng thời tăng dự trữ xăng dầu quốc gia, để đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong 1-2 tháng.
Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã giảm 50% từ đầu tháng 4 nhưng theo các chuyên gia, vẫn chưa “thấm vào đâu” trước đà tăng giá xăng dầu thế giới. Chúng ta vẫn cần phải tính dài hơn, có kịch bản nhiều hơn nữa.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong sáng nay, báo Lao động có bài viết “Xuất nhập khẩu năm 2022 sẽ cán đích 700 tỉ USD”. Bài viết nêu, trong 4 tháng đầu năm 2022, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn phục hồi mạnh mẽ: Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2022 đạt 122,4 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bài viết lý giải, kết quả nêu trên không chỉ thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống, đặc biệt là của các doanh nghiệp đã biến thách thức thành cơ hội; khả năng chống chịu của các doanh nghiệp, tính linh hoạt, tìm tòi, sáng tạo của các doanh nhân, doanh nghiệp , mà còn cho thấy “sức mạnh” của các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.
Cùng phản ánh nội dung trên, báo Công Thương đồng thời thông tin về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu của Bộ Công Thương trong thời gian tới qua bài viết “Xuất nhập khẩu duy trì tăng trưởng 2 con số”. Theo đó, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.
Theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp.
Về năng lượng, báo Giao thông đăng tải bài viết “Tái khởi động dự án đường ống dẫn khí thiên nhiên lớn nhất Việt Nam”. Bài viết đưa ra thông tin cụ thể về dự án. Theo đó, khoảng tháng 7/2022 sẽ có quyết định đầu tư cho chuỗi khí điện và có dòng khí đầu tiên vào Ô Môn khoảng quý 4/2025. Hiện nay dự án đường ống dẫn khí đang hoàn thiện những bước sau cùng để đáp ứng yêu cầu của cấp thẩm quyền. Công tác giải phóng mặt bằng đã bàn giao mốc cho Trung tâm Phát triển quỹ đất, dự kiến bắt đầu thực hiện vào tháng 7/2022, bàn giao đất cho nhà thầu thi công vào quý 2/2023.
Báo Lao động nêu cơ hội hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giữa tỉnh Quảng Trị - Israel, qua bài viết “Quảng Trị “mở cánh cửa” hợp tác với Israel về công nghệ năng lượng tái tạo”.