Chanh dây và vải thiều Việt Nam đứng trước cơ hội xuất khẩu sang Hàn Quốc Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam thu về hơn 10 tỷ USD Xuất khẩu ớt sang thị trường Mỹ tăng mạnh 143% |
Bức tranh kinh tế Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 có nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, hoạt động xuất, nhập khẩu cả nước hồi phục ấn tượng, với kim ngạch vượt 511 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này có được là nhờ các đơn hàng xuất khẩu trong các nhóm hàng chủ lực như dệt may, da giày tăng trở lại, đồng thời, dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam, và sự phục hồi ấn tượng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, xuất khẩu nông sản vừa được mùa, vừa được giá.
Với kết quả này, mục tiêu xuất khẩu hàng hoá mà ngành Công Thương đặt ra từ đầu năm tăng khoảng 6% là hoàn toàn khả thi. Phóng viên Vuasanca đã có buổi chia sẻ với chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong để làm rõ hơn những nội dung này.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ với phóng viên Vuasanca về những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2024 |
Thưa chuyên gia, ông có những bình luận gì về kết quả tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong 8 tháng qua, cả về sản xuất công nghiệp, cũng như xuất nhập khẩu. Những động lực nào để nền kinh tế Việt Nam đạt được những con số đó?
Có thể nói kết quả tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 là tích cực. Vừa là kết quả, vừa là thông điệp của năm 2023.
Thứ nhất, là kết quả, bởi đó là những nỗ lực mà Việt Nam đã có được từ năm 2023, cộng thêm những quyết tâm của năm 2024 và những cơ hội mà ta đang khai thác.
Thứ hai, là thông điệp, bởi năm 2024 nền kinh tế Việt Nam có sự chuyển biến sáng hơn rất nhiều so với 2023 và dự báo 2025 tiếp tục phát triển tốt hơn nữa.
Nhìn chung tăng trưởng kinh tế trong cả năm 2024, Việt Nam sẽ vẫn nằm trong top đầu của thế giới. Nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều động lực thúc đẩy.
Trước hết, động lực đến từ việc phục hồi các đơn hàng, nhất là đơn hàng dệt may, da giày...
Hai là, Việt Nam đang là điểm đến của các dòng vốn đầu tư FDI, nhiều nguồn vốn đã đổ vào những ngành, lĩnh vực triển vọng như: Công nghệ cao, chế tạo chip, dịch vụ công nghệ...
Ba là, động lực đến từ sự ứng biến linh hoạt và những chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là của Chính phủ cùng sự vào cuộc quyết tâm của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ tư, ngành du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ, rất nhiều đoàn khách du lịch quốc tế ghé thăm.
Thứ năm, ngành nông nghiệp trên đà phát triển, được mùa được giá, trong đó chủ lực là sản phẩm gạo.
Tuy nhiên, năm 2024, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều thách thức như: Về khả năng tiếp cận, hấp thụ nguồn vốn; về giải ngân đầu tư công...
Dù vậy, Ngân hàng Thế giới vẫn nâng dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam lên mức 7% trong năm 2024. Đây là mục tiêu chúng ta hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí là cao hơn. Bởi trong công điện mới nhất, Thủ tướng cũng đã đặt quyết tâm phấn đấu để nền kinh tế đạt tăng trưởng tới 7%.
Thậm chí, theo dự báo của một số tổ chức quốc tế khác, khi Việt Nam khai thác tốt các tiềm năng, tăng trưởng kinh tế có thể lên tới 8%, thậm chí 9% và Việt Nam sẽ tiếp tục nối dài chuỗi tăng trưởng tới 2029.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, năm 2024 ngành Công Thương sẽ đạt mục tiêu đặt ra và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những kỷ lục mới, tạo động lực chung cho nền kinh tế. |
Nền kinh tế Việt Nam đang “chạy nước rút” để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% đã đặt ra từ đầu năm. Vậy theo ông, trong những tháng còn lại, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành địa phương cần làm gì để đảm bảo được mục tiêu đã đặt ra?
Tôi cho rằng, hầu hết các giải pháp quan trọng nhất, những nhiệm vụ và những động lực quan trọng nhất đã được Chính phủ ghi nhận và đưa vào các Nghị quyết, từ Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 đến các nghị quyết tiếp theo của Chính phủ.
Và trong những công điện hàng tháng của Thủ tướng tại các kỳ họp Chính phủ, các giải pháp đều đã được cập nhật, thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, từ nay đến cuối năm cần tiếp tục thực hiện những giải pháp như: Quyết liệt thực hiện công tác thu ngân sách Nhà nước; chủ động, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách; quyết liệt hơn nữa triển khai chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi...
Thứ hai, nỗ lực vượt qua tâm lý e dè, né trách nhiệm, ngại sợ trách nhiệm.
Thứ ba, khai thác mạnh mẽ hơn nữa những cơ hội từ những FTA thế hệ mới và đặc biệt là từ những dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện vấn đề thủ tục hành chính...
Với riêng ngành Công Thương, năm 2024 ngành đặt mục tiêu nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trên 6% so với năm 2023. Trong những tháng còn lại của năm 2024, ngành cần có giải pháp gì để đảm bảo mục tiêu đặt ra, thưa ông?
Dõi theo những hoạt động của ngành Công Thương, cả những kết quả đạt được từ trước đến nay cũng như những nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong các kỳ họp Quốc hội thì lãnh đạo Bộ Công Thương đã quán xuyến, đã hiểu thấu, có trách nhiệm với công việc để từ đó điều hành hiệu quả.
Bộ Công Thương là một Bộ tổng hợp, là một Bộ quan trọng của nền kinh tế. Bên cạnh Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Công Thương có lẽ là Bộ chủ lực của toàn bộ nền kinh tế và có thể nói, bộ máy đã vào cuộc rất quyết liệt, từ chỉ đạo xuất nhập khẩu cho đến giải quyết các khúc mắc điện, xử lý hạ tầng, quản lý môi trường, quản lý thị trường…
2024 sẽ là một năm vất vả với ngành Công Thương nhưng tôi đánh giá đây là năm tương đối thành công với ngành. Qua 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng xuất siêu 19,07 tỷ USD.
Với kết quả này, tin rằng năm 2024 ngành Công Thương sẽ đạt mục tiêu đặt ra và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những kỷ lục mới, tạo động lực chung cho nền kinh tế.
Từ những kết quả phân tích trên, ông có dự báo gì về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025, thưa ông?
Năm 2025 là một năm rất đặc biệt, là năm cuối cùng để tăng tốc về đích đạt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Xét về tổng thể rất có khả năng kinh tế sẽ nhận được thêm nhiều cơ hội tốt, kể cả trong nước và quốc tế.
Thuận lợi từ quốc tế, tình hình thế giới sẽ dần dần ổn định và các quốc gia đã thích nghi với những cuộc xung đột địa chính trị; các khó khăn liên quan tới nguyên vật liệu, thị trường cũng đã được cải cải thiện.
Đặc biệt, Việt Nam đã, đang và tiếp tục củng cố vị thế quốc tế, các mối quan hệ quốc tế cũng như môi trường đầu tư quốc tế và kinh doanh thương mại quốc tế... Đây chính là những cơ hội tích cực để nền kinh tế Việt Nam tăng tốc phát triển trong 2025.
Chưa kể, năm 2025 chúng ta sẽ hoàn thiện nhân sự để chuẩn bị cho Đại hội 14. Đây là động lực tinh thần rất quan trọng giúp bộ máy và nền kinh tế tăng tốc và đạt hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, 2025 là sẽ năm chúng ta phải đối diện với những thách thức cũng khá bất ngờ, như: Biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống... Do đó, xuất phát từ bài học Covid-19, Chính phủ, các Bộ, ngành đến cộng đồng doanh nghiệp đã xây dựng những kịch bản tăng trưởng bám sát, cập nhật thực tiễn chia theo 3 nhóm: Kịch bản tốt nhất, kịch bản trung bình và kịch bản xấu nhất.
Vì vậy, năm 2025, bên cạnh các kịch bản từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng cần có thêm những tín hiệu dự báo. Thông qua “nút đỏ, nút vàng, nút xanh” để khởi động cùng với các kịch bản chung của quốc gia trong quá trình quản lý cũng như phát triển kinh tế.
Cùng đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn nữa để hình thành kinh tế số, Chính phủ số, doanh nghiệp số, xã hội số và từ đó thích ứng với sự thay đổi của nền kinh tế thế giới và nắm bắt được cơ hội của cách mạng 4.0…
Những sự chuẩn bị này không chỉ tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025 mà còn là tạo động lực để kinh tế Việt Nam vượt qu bẫy thường trung bình trở thành một con hổ châu Á mới theo dự báo của rất nhiều tổ chức quốc tế.
Vâng, xin cảm ơn chuyên gia!.