Khi Thủ tướng trăn trở sửa đổi Luật Điện lực giữa cường quốc khí LNG
Kính thưa quý vị, trên đây là nhan đề bài viết của Nhà báo Nguyên Minh đưa tin trực tiếp từ thủ đô Doha, Quatar. Bài viết được đăng tải trên báo điện tử Công Thương tại trang web slyers.com. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.
Chưa bao giờ, câu chuyện sửa đổi Luật Điện lực nóng như hiện nay. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm, làm việc tại Qatar đã nhiều lần nhắc tới điều này.
Từ chỉ đạo, định hướng lớn của Tổng Bí thư
Quy hoạch Điện VIII đã đề ra con số, cơ cấu cho từng loại nguồn điện |
Tại cuộc làm việc với Quốc vụ khanh phụ trách về năng lượng Qatar Saad bin Sherida Al Kaabi chiều 31/10, sửa đổi Luật Điện lực là cụm từ được hai bên nhắc đến nhiều nhất.
Quốc vụ khanh cho biết, ông vừa là Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng Qatar vừa kiêm Giám đốc Điều hành Công ty QatarEnergy, đơn vị đang đàm phán hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ông cho biết, khó khăn nhất nằm ở pháp luật Việt Nam và mong chờ Luật Điện lực sửa đổi sớm được Quốc hội Việt Nam thông qua để làm nền tảng cho hai bên đi vào các thỏa thuận hợp tác cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, cũng có vấn đề pháp lý liên quan đến Luật Điện lực sửa đổi cản trở sự phát triển của các nguồn năng lượng. “Chúng tôi đang đẩy nhanh quá trình sửa đổi Luật Điện lực, các quy định liên quan theo hướng giảm can thiệp hành chính, tăng sự chủ động và quyền tự quyết của doanh nghiệp để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài với các đối tác trong nước.
Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Việt Nam, chúng tôi cũng đã, đang thảo luận về vấn đề này để kịp thời sửa đổi những điểm yếu đó. Các doanh nghiệp có thể làm việc trực tiếp với các ngài. Chính phủ Việt Nam không can thiệp vào quyền mua bán, quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Việc sửa đổi Luật Điện lực sẽ giảm sự can thiệp của Chính phủ, của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng hơn cho doanh nghiệp” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Sự lo lắng, quan tâm trên của Thủ tướng cũng là lo lắng, quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện nay, kể cả về ngắn hạn hay dài hạn thì mệnh lệnh cuộc sống đang đòi hỏi phải đủ điện cho sản xuất, đủ điện cho tiêu dùng, đủ điện cho phát triển.
Cách đây ít ngày, phát biểu ở tổ trong một phiên thảo luận, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành thời lượng lớn cho nhiều chỉ đạo mạnh mẽ về sự cần thiết phải sớm sửa đổi Luật Điện lực. Tổng Bí thư cho rằng nếu không đủ điện cho sản xuất, nhiều nhà đầu tư lớn có thể tính toán không vào hoặc rút khỏi Việt Nam. Nhấn mạnh thời gian không chờ đợi, Tổng Bí thư chỉ đạo phải quyết liệt sửa đổi Luật Điện lực đáp ứng đòi hỏi thực tiễn.
Những chỉ đạo của Tổng Bí thư đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, nhìn thẳng vào các điểm nghẽn kinh tế - xã hội để tháo gỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta.
Đến công thức điện cho phát triển
Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhiều lần nhắc đến con số được các nhà khoa học tính toán. Để GDP Việt Nam tăng trưởng 1%, điện phải đi trước tăng trưởng 1,8-2%.
Thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Quy hoạch Điện VIII đã đề ra con số, cơ cấu cho từng loại nguồn điện. Để đủ điện cho phát triển, từ nay đến năm 2030, nghĩa là chỉ còn gần 6 năm nữa, Việt Nam phải tăng tổng công suất nguồn điện lên 150.000 - 160.000 MW, gấp đôi tổng công suất hiện nay. Trong khi đó, điện than, thủy điện đã đạt tới hạn phát triển. Điện năng lượng tái tạo muốn phát triển phải có một nguồn điện nền nhất định. Và một trong các giải pháp khả thi nhất chính là phát triển điện khí hoá lỏng. Quy hoạch điện VIII đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG (hay gọi tắt là “khí LNG”) chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030. Việc xây mới 13 nhà máy điện khí LNG với tổng công suất 22.400MW đến năm 2030 và 2 nhà máy nữa với công suất 3.000MW đến năm 2035 là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển nguồn điện của quốc gia. Quy hoạch điện VIII cũng đề ra nhiệm vụ chạy đua với thời gian, tới 2030 phải hoàn thành xây dựng 13 nhà máy điện khí LNG từ Bắc chí Nam.
Và để xây dựng 13 nhà máy ấy, khí LNG ở đâu? Chắc chắn phải nhập từ nước ngoài mà Qatar là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Với trữ lượng dầu thô đứng thứ 13 trên thế giới, trữ lượng khí heli đứng số 1 thế giới, Qatar hiện là nhà sản xuất-xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng và nhà sản xuất khí heli lớn hàng đầu thế giới.
Dù đã trở thành ông hoàng ngành năng lượng nhưng Qatar đã có tầm nhìn xa cho tương lai khi từ năm 1996, Tiểu vương Qatar khi đó là Hamad bin Khalifa al Thani cho đầu tư lớn vào công nghệ hiếm hóa lỏng để có thể mang khí tự nhiên ở dạng lỏng có thể vận chuyển bằng tàu lớn.
Qatar khi đó dù còn là nước nghèo nhưng đã mạo hiểm đầu tư rất nhiều tiền vào phát triển các công nghệ này để tăng giá trị công nghiệp khí đốt của họ. Đến nay, Qatar có chi phí khai thác và hóa lỏng khí đốt rẻ nhất trên thế giới. Qatar tiếp tục nhìn xa, mang tiền thu được từ khí đốt đầu tư khắp thế giới với Quỹ đầu tư Qatar có tổng giá trị tài sản lên đến 440 tỉ USD, “trải tiền” đầu tư trên toàn cầu…
Việc cần làm ngay
Những năm đầu đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng nêu ra thông điệp “Những việc cần làm ngay” để cả hệ thống chính trị nhìn thẳng vào sự thật, tháo gỡ các hạn chế, bất cập của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Hiện nay, tinh thần ấy cần tiếp tục được khơi dậy trong lĩnh vực năng lượng.
Một trong những “việc cần làm ngay” của hai nước hiện nay chính là tháo gỡ khó khăn cho phát triển năng lượng, trong đó có hợp tác quốc tế về lĩnh vực này. Trong cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với ngài Quốc vụ khanh phụ trách năng lượng Qatar, cả ngài Quốc vụ khanh và Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Ngọc Sơn đều nhắc đến khó khăn do cơ chế, các quy định của pháp luật. Không thể nhập khẩu “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” khí hoá lỏng LNG nếu không gỡ vướng về thể chế. Trong khi như Tổng Bí thư từng nói “thời gian không chờ đợi”, một dự án muốn triển khai phải mất nhiều năm. Ngài Quốc vụ khanh cũng thẳng thắn nói ông vốn là kỹ sư, là chủ doanh nghiệp nên ông chỉ nói chuyện bằng những con số. Khi Việt Nam sửa đổi Luật Điện lực xong thì việc ký kết, hợp tác, giá cả, số lượng… mới có thể bàn thảo! Ông cũng chỉ còn chờ phía Việt Nam sửa Luật mà thôi.
Bên lề chuyến công tác, chúng tôi gặp ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam PV GAS, đơn vị mà cái tên của nó chiếm toàn bộ ngoại diên của ngành công nghiệp khí Việt Nam. Ông Phong trước đó từng nhiều lần chia sẻ mong muốn tháo gỡ, sửa đổi các qui định của pháp luật thì mới có thể phát triển được các nhà máy điện khí. Năm 2023, Việt Nam mới nhập khẩu chuyến tàu khí LNG đầu tiên để khởi động cho ước mơ lớn điện khí trong khi trên thế giới, các nước công nghiệp phát triển đã đi trước cả 40 năm như Nhật Bản đón chuyến tàu LNG đầu tiên vào năm 1969. Từ đó, Nhật Bản đã phát triển ngành công nghiệp LNG mạnh mẽ.
Rõ ràng thời gian không chờ đợi nếu Luật Điện lực không được sửa đổi sớm nhất, tốt nhất có thể.
Chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn sáng kiến Đầu tư tương lai có thể coi là chuyến đi tìm nguồn năng lượng mới cho tương lai. Chuyến đi này, thật trùng hợp khi các nhà lãnh đạo những vương quốc dầu lửa đều nhấn mạnh cụm từ “thời gian và trí tuệ”. Đó là hai thành tố cấu thành phát triển. Không có trí tuệ, tư duy đột phá thì thời gian phát triển sẽ kéo dài bởi sự trì trệ. Nhưng có trí tuệ, có đường hướng phát triển rồi mà không tìm con đường nhanh nhất, rút ngắn thời gian nhất để hiện thực hoá nó thì tất cả cũng vẫn bị trì trệ.
Tháo gỡ nút thắt, mở đường cho phát triển điện trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Để hiện thực hoá kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam như Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra, đi tìm nguồn năng lượng mới để đủ điện cho phát triển đang là một trong “những việc cần làm ngay”, là mệnh lệnh cuộc sống.
Trong chuyên đề trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó nhấn mạnh phải giải quyết vấn đề hệ thống pháp luật còn có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, chậm được bổ sung, sửa đổi, thay thế. Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa tạo dựng được môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trong nhân dân. Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Tổng Bí thư yêu cầu phải chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
“Bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Thiết nghĩ những chỉ đạo ấy rất rõ ràng và đầy tính thời sự trong giải quyết câu chuyện sửa đổi Luật Điện lực hiện nay.
Mệnh lệnh cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải tháo gỡ điểm nghẽn pháp luật, sửa Luật để phát triển, để tìm con đường phát triển đột phá ngay dưới chân mình!
Kính thưa quý vị, chương trình Podcast - Thời sự của Vuasanca đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe, rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.
Podcast 03/11/2024 14:28