COP 19: Kêu gọi ứng phó khẩn cấp với biến đổi khí hậu
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, đến sáng 11/11 đã có 13 người chết trong quá trình triển khai phòng chống bão Hải Yến
- Trong tuần này, đoàn đàm phán của Chính phủ 195 quốc gia, bao gồm Việt Nam, đang có mặt tai Vacsava, Ba Lan để thảo luận về cách đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu (BĐKH).
Nhân sự kiện quan trọng này, CARE Quốc tế tại Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia nâng cao cam kết và hành động để ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực của BĐKH.
Bà Lưu Thị Thu Giang- chuyên gia thích ứng với BĐKH của CARE Quốc tế tại Việt Nam- nhận định: “Biến đổi khí hậu đang diễn ra, ngay ở đây và ngay lúc này. Chúng ta đã thấy rõ tác động bất lợi của nó tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới”.
Kinh nghiệm của CARE Việt Nam khi làm việc với các cộng đồng nghèo đã chứng minh rõ ràng BĐKH đã và đang cản trở các nỗ lực xóa đói giảm nghèo và phát triển sinh kế bền vững. Trong đó cộng đồng dân tộc thiểu số, người nhập cư và phụ nữ nghèo là những đối tượng bị tác động nhiều nhất.
Chị Hoàng Thị Hương- 21 tuổi, có 2 con, người dân tộc Nùng ở Lạng Sơn, cho rằng: “Thời tiết giờ nóng hơn trước nhiều lắm, nhất là vào tháng 6, tháng 7”.
Bà Lưu Thị Thu Giang cho biết, Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển quốc tế đã rất nỗ lực huy động nguồn lực nhằm hạn chế phát thải và hỗ trợ thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, cần có thêm nguồn lực và sự hỗ trợ của các nước phát triển dành cho các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất ứng phó với tác động không thể tránh được của BĐKH.
Tổng thư ký CARE Quốc tế - Robert Glasser: “Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất hiện nay. Các chính phủ phải hành động khẩn trương để kiềm chế hiện tượng nóng lên toàn cầu và giúp người dân ứng phó với các tác động của hiện tượng này. Việc không hành động là rủi ro rất lớn đối với những người nghèo nhất cũng như với tất cả chúng ta. Đó thực sự không phải là một lựa chọn”. |
Một nghiên cứu do CARE Việt Nam và Oxfam thực hiện có tiêu đề: "Ai sẽ chi trả" đã chỉ ra rằng, dù dòng tiền cho hoạt động thích ứng và giảm nhẹ BĐKH tại Việt Nam đang chảy nhưng chỉ có một phần nhỏ đến được những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhất của họ.
Nghiên cứu này kêu gọi cần có thêm nhiều nguồn lực mới cho các can thiệp ở cấp cộng đồng, các nhà lãnh đạo cần nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch. Công tác xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới phải là trọng tâm của tất các chiến lược và dự án đầu tư liên quan tới BĐKH.
Bà Giang nói: “Phụ nữ có khả năng giúp cả gia đình và cộng đồng. Do đó trong tất cả các công tác thích ứng với BĐKH, chúng tôi luôn coi sự tham gia của phụ nữ là trung tâm, thúc đẩy bình đẳng giới và tạo các cơ hội công bằng cho họ để phát triển sinh kế thích ứng với BĐKH”.
Phụ nữ nghèo thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất do BĐKH. Tuy nhiên, CARE Việt Nam đã chứng minh đầu tư vào phụ nữ và thông qua phụ nữ là hiệu quả trong thích ứng với BĐKH và phát triển ít phát thải.
Trong khi đó, các cộng đồng nghèo ở Việt Nam vẫn đang phải ngày ngày đối phó với BĐKH và thiên tai thất thường. Là một trong các quốc gia đang phải chịu nhiều tác động, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực huy động nguồn lực cho công tác ứng phó với BĐKH.
Hải Vân