CPTPP và EVFTA - cú huých cho ngành da giày Việt Nam phát triển mạnh mẽ
Tin hoạt động 13/12/2019 16:46
Theo đó, để cùng bàn bạc các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp da giày, công nghiệp hỗ trợ da giày Việt Nam trước những cơ hội, thách thức đến từ các FTA thế hệ mới, ngày 13/12/2019, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tổ chức Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2019 “Ngành da giày Việt Nam - đón đầu cơ hội CPTPP và EVFTA”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thẳng Hải phát biểu tại diễn đàn |
Riêng thị trường nội địa, Việt Nam là thị trường tiềm năng của ngành da - giày với dân số 95 triệu người. Ước tính nhu cầu tiêu thụ giày dép tại Việt Nam năm 2018 khoảng 190 triệu đôi (bình quân 1,9 đôi/người/năm) và tiếp tục tăng do người dân có thu nhập ngày càng cao.
Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới hàng trăm nước, trong đó trên 50 nước có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 triệu USD. Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2019 đạt khoảng 21,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018. Chỉ riêng 6 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đã đạt trên 10,33 tỷ USD. Trong đó, giày dép đạt 8,53 tỷ USD, túi xách đạt 1,8 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất trong 6 tháng đầu năm là Mỹ, tiếp đến là EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện ngành da giày Việt Nam giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu trên thế giới và là một trong những ngành có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.
Lefaso cũng cho biết, hiện nay ngành da giày đã chủ động được hơn 70% nguyên liệu phụ cho các dòng sản phẩm trung bình và 50% nguyên liệu cho các doanh sản phẩm trung bình khá. Trong đó, khoảng 90% bao bì giấy, 80% đế các loại, hơn 80% các loại khuôn giày, 60% phụ liệu, 50% da các loại... Nhìn chung các chủng loại nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn cho sản xuất hàng xuất khẩu hầu hết là sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng khá đa dạng như: phụ kiện kim khí, nhựa, chỉ may, keo dán, da muối, da bán thành phẩm, giả da…
Đặc biệt, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, những khung khuôn khổ hội nhập được Việt Nam thực thi gần đây đã và đang là cơ hội để thu hút các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành da giày. Đơn cử như với EVFTA, một loạt rào cản thương mại đối với sản phẩm giày, dép của Việt Nam do Liên minh châu Âu (EU) áp dụng suốt những năm qua được xóa bỏ hoàn toàn. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam mở rộng thị phần sang các nước châu Âu. Việc nhu cầu tăng sẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải có hướng đi lâu dài, tự chủ trong việc sản xuất hơn nữa, đầu tư công nghệ cao vào sản xuất CNHT.
Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ năm 2019 đang giúp ngành da giày mở rộng thị trường khu vực châu Mỹ với cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng như Mexico và Canada. Chưa kể đến việc, tại thị trường Hoa Kỳ, việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ một số nước có thế mạnh về lĩnh vực này đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép Việt Nam.
Đặc biệt, Trung Quốc đang chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao nên các đơn hàng gia công giày dé, túi xách có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam.
Chính vì vậy, theo ông Khanh, Việt Nam cần phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội thời điểm hiện tại để có thể bứt phá, tăng tốc cho ngành da giày Việt Nam và đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong quá trình hội nhập.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, ngành da giày Việt Nam vẫn còn những điểm yếu tồn tại như: nguyên phụ liệu mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu khiến giá trị gia tăng đạt được không cao. Bên cạnh đó, đội ngũ thiết kế, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đủ đáp ứng... Thống kê của Lefaso cho thấy, hàng năm, các DN vẫn phải nhập khẩu phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán… Năm 2018 Việt Nam đã nhập khẩu da thuộc các loại đạt 1,63 tỷ USD, lớn nhất là từ Trung Quốc (325 triệu USD), Italia (244 triệu USD), Thái Lan (232 triệu USD), Hàn Quốc (161 triệu USD), Đài Loan (124 triệu USD)...
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso |
Đề cập đến giải pháp cho vấn đề này, ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Lefaso - cho rằng cần phải xây dựng các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT chuyên biệt cho ngành. Các khu công nghiệp này phải có nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Chính phủ tạo cơ chế thu hút các DN có công nghệ cao hỗ trợ ngành da giày. Bên cạnh đó, cũng cần có sự đồng bộ trong cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, kết nối DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu; tăng chất lượng nguồn nhân lực trong nước...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, để duy trì tốc độ tăng trưởng, cải thiện hơn nữa vị trí của mình trên thị trường da giày thế giới, Việt Nam đứng trước thách thức về mức lương ngày càng tăng ở trong nước, và những thách thức đến từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu trước xu hướng bảo hộ và cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những thách thức này đặt ra yêu cầu cho ngành da giày Việt Nam phải duy trì và cải thiện hơn nữa những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, đặc biệt chú trọng đến nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành các chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành da giày, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị tạo ra trong nước và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Về phía các cơ quan chức năng, để hỗ trợ phát triển CNHT ngành da giày, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: Chính phủ luôn hỗ trợ cho DN. Nhưng chỉ hỗ trợ ở mặt chính sách, còn việc hiện thực hoá hiệu quả rất cần sự chủ động của chính DN. Quá trình này đỏi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực, Lefaso cũng cần có định hướng mới, cụ thể để cơ quan chức năng của bộ nghiên cứu, triển khai theo hướng phù hợp.
Việt Nam bắt đầu quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới từ khi gia nhập ASEAN năm 1996, đến nay Việt Nam đã ký kết 14 FTA đa phương và song phương, trong đó có Hiệp định CPTPP, EVFTA là yếu tố thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đầu tư vào ngành da giày tại Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng được cắt giảm thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. |