Theo Cục Thuế Hà Nội, năm 2023, tổng dự toán thu ngân sách Nhà nước toàn thành phố Hà Nội được giao 325.902 tỷ đồng. Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 14% so với ước thực hiện năm 2022; dự toán thu tiền sử dụng đất tăng 27,8% so với ước thực hiện năm 2022…Trong đó, Cục Thuế Hà Nội phải thực hiện nhiệm vụ thu tối thiểu 193.880 tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới có nhiều khó khăn, lũy kế 4 tháng 2023, Cục Thuế Hà Nội ước thực hiện 92.004 tỷ đồng, bằng 47,4% nhiệm vụ năm, tăng 18,2% so cùng kỳ.
Trong khi đó, theo số liệu từ UBND thành phố Hà Nội, 3 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 138.859 tỷ đồng, đạt 39,3% dự toán, tăng 38,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phát sinh trên địa bàn là 5.417 tỷ đồng, đạt 20,1% dự toán, bằng 79,2% so với cùng kỳ. Thu từ dầu thô 1.705 tỷ đồng, đạt 81,2% dự toán, bằng 136,7% so với cùng kỳ. Thu nội địa 131.733 tỷ đồng, đạt 40,7% dự toán, bằng 142,9% so với cùng kỳ.
Cục Thuế Hà Nội thu ngân sách 4 tháng đầu năm tăng 18,2% so với cùng kỳ |
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong thời gian tới, Cục Thuế Hà Nội sẽ thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ. Bên cạnh đó, Cục Thuế Hà Nội xác định quản lý đối tượng là cơ sở quan trọng hàng đầu của công tác quản lý thuế, Cục Thuế Hà Nội đã và đang tiếp tục triển khai quản lý chặt chẽ đối tượng nộp thuế (bao gồm cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân) trên cơ sở nắm bắt, cập nhật đầy đủ, kịp thời các thông tin định danh, thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, giám sát chặt chẽ tình hình kê khai, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Trong thời gian tới, Cục Thuế Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra theo chuyên để, tập trung vào một số ngành nghề - hoạt động có rủi ro, có nguy cơ vi phạm cao như: tài chính, bất động sản, thương mại điện tử, chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp hoàn thuế... và sẽ tập trung thanh kiểm tra doanh nghiệp có giao dịch liên kết lớn - nhóm đối tượng có nhiều dư địa khai thác thu.
Đặc biệt, Cục Thuế Hà Nội sẽ tiếp tục nhận diện các dấu hiệu rủi ro (hành vi, cách thức của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp), chủ động khai thác, phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử theo yêu cầu tại Công điện số 01/CĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính và chỉ đạo của Tổng cục Thuế về quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử để phát hiện kịp thời các hành vi bán hóa đơn cũng như đối tượng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, xử lý thu hồi ngay số thuế gian lận vào ngân sách nhà nước.
Công khai thông tin các doanh nghiệp mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, hóa đơn của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh,... để cảnh báo cho các doanh nghiệp trên toàn quốc trong các mối quan kệ kinh doanh, hạn chế rủi ro về hóa đơn, hoàn thuế.
Đối với việc thu hồi nợ thuế, theo Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, đơn vị này thực hiện phân loại nợ, đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đầy đủ, đúng quy trình, quy định; tiếp tục triển khai các biện pháp cưỡng chế thu hồi đăng ký kinh doanh, xác minh tài sản kê biên, hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật; hạn chế tối đa số nợ mới phát sinh nhất là số thuế được gia hạn nhưng hết thời gian gia hạn người nộp thuế không nộp được.
Phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương nơi đăng ký kinh doanh và nơi cư trú để kiểm soát chặt chẽ, hậu kiểm sau khoanh, xóa nợ.
Trước đó, tổng thu ngân sách năm 2022 do Cục Thuế TP. Hà Nội thực hiện ước đạt 306.927 tỷ đồng, đạt 108,9% dự toán pháp lệnh, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả trên, lần đầu tiên thu ngân sách do cục thuế thực hiện vượt mốc 300 nghìn tỷ đồng.