Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 năm 2016 tại Mông Cổ |
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương: Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Văn phòng Ban Chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế và Bộ Ngoại giao.
ASEM là một tiến trình hợp tác liên chính phủ được thiết lập năm 1996, nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa châu Á và châu Âu. Trải qua 21 năm hoạt động, ASEM có 53 đối tác gồm 30 nước châu Âu, 21 nước châu Á, Liên minh châu Âu và Ban Thư ký ASEAN. Hợp tác ASEM giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục trên tinh thần vì lợi ích chung, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác bình đẳng.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc là cơ quan chủ trì tổ chức Hội nghị. Theo chương trình, trước khi diễn ra phiên họp toàn thể của các Bộ trưởng ASEM vào ngày 22/9, các phiên thảo luận của các nhóm nước khu vực được tổ chức vào ngày 21/9.
Tại Hội nghị EMM 7, các Bộ trưởng tập trung thảo luận những nội dung quan trọng của hợp tác ASEM trong trụ cột kinh tế với ba phiên chính gồm: (i) tạo thuận lợi và thúc đẩy thương mại và đầu tư; (ii) tăng cường kết nối kinh tế; (iii) tăng trưởng toàn diện và bền vững.
Thứ nhất, về tạo thuận lợi về thương mại và đầu tư nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho các nền kinh tế thành viên, dự kiến thông qua Tuyên bố chung về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và ngăn chặn nguy cơ lan tỏa của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, các dự án nghiên cứu chung của các chuyên gia trong khu vực Á-Âu về các thách thức hiện tại, việc xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại ASEM giai đoạn 2018-2020, các biện pháp cần triển khai trong giai đoạn tới nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư ASEM…
Thứ hai, về củng cố kết nối kinh tế Á-Âu thông qua đề xuất các định hướng và biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực, dự kiến Hội nghị ủng hộ kết nối kỹ thuật số trong ASEM thông qua sáng kiến Thị trường số chung của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản…
Thứ ba, về tăng trưởng bền vững, một trong những nội dung trọng tâm của ASEM trong thời gian tới, dự kiến các Bộ trưởng đưa ra tuyên bố ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và khuyến khích các nền kinh tế thành viên sớm thực thi hiệp định này, xem xét khả năng thành lập Nhóm Tư vấn ASEM về Công nghệ xử lý biến đổi khí hậu với sự tham gia của các tổ chức chính phủ nhằm hỗ trợ, tư vấn và tạo cơ hội trao đổi liên quan đến giảm hiệu ứng nhà kính và công nghệ liên quan đến biến đổi khí hậu; đồng thời thông qua Sáng kiến Xơ-un về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong đó xem xét khả năng thành lập Diễn đàn ASEM về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự tham gia của các viện nghiên cứu, các học giả và cả khu vực tư nhân. Đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng chương trình nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nước đang phát triển, tổ chức các hội nghị bàn tròn về cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hội nghị EMM 7 được tổ chức trong bối cảnh hợp tác ASEM đã có những phát triển năng động trong những năm gần đây, sau một thời gian dài bị gián đoạn kể từ giai đoạn đầu mới thành lập, cụ thể: EMM 1 (năm 1997) tại Nhật Bản, EMM 2 (năm 1999) tại Đức, EMM 3 (năm 2001) tại Việt Nam, EMM 4 (năm 2002) tại Đan Mạch, EMM 5 (năm 2003) tại Trung Quốc, EMM cấp cao (năm 2005) tại Hà Lan.