CôngThương - Tuy nhiên, để đạt được con số này là thách thức không nhỏ với EVN.
Điện nơi thừa nơi thiếu
Theo EVN, năm 2012, tổng lượng nước thiếu hụt của các hồ thủy điện khoảng 4,07 tỷ m3, tương đương 1,615 tỷ kWh. PVN đã cam kết cung cấp 6,8 tỷ m3 khí cho các nhà máy điện. Phần còn thiếu, EVN sẽ phải huy động tất cả các loại nguồn nhiệt điện, trong đó, riêng điện chạy dầu cần tới 6,21 tỷ kWh.
Đến nay đã sắp có 5 tổ máy Thủy điện Sơn La hòa lưới cùng với một sốdự án nhiệt điện đều đi vào hoạt động nên miền Bắc cơ bản sẽ đủ điện và có dự phòng trên 20%. Ưu thế về thủy điện khiến miền Trung có mức dự phòng trên 80%. Riêng miền Nam do nhiều dự án nguồn chưa vào kịp nên vẫn thiếu điện nghiêm trọng, nhất là khi xảy ra sự cố và có lịch sửa chữa.
Từ năm 2013, tình hình cấp điện ở miền Nam vẫn rất căng thẳng do các dự án nguồn chưa vào kịp. Trong khi đó, nguồn khí cấp cho điện của PVN từ năm 2013 theo kế hoạch sẽ giảm xuống 5,7 tỷ m. Hệ thống lưới điện truyền tải 500 kV - 220 không đủ khả năng truyền tải hết nguồn điện ở miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Do vậy, dù miền Bắc và miền Trung thừa điện nhưngEVN vẫn phải huy động cao nguồn điện chạy dầu ở miền Nam để chống quá tải. Dự kiến, sản lượng điện chạy dầu sẽ tăng lên 7,8 tỷ kWh vào năm 2013, đếnnăm 2014 là 8,5 tỷ kWh và 2015 là 6,6 tỷ kWh. Điều này sẽ làm tăng đáng kể chi phí giá thành khiến cho tình hình tài chính của EVN đã khó càng thêm khó.
Để khắc phục, EVN đang thực hiện 9 hạng mục công trình cấp bách để cấp điện cho miền Nam. Đó là dự án NĐ Vĩnh Tân 2; Duyên Hải 1; Duyên Hải 3, NĐ Ô Môn 1, Tuốc bin khí Ô Môn 3. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện nhằm tăng cường khả năng truyền tải từ Bắc vào Nam, bao gồm: Nâng dung lượng tụ bù các đường dây (ĐD) 500 kV Đà Nẵng- Hà Tĩnh, ĐD 500 kV Pleiku-Phú Lâm; ĐD 220 kV Đắc Nông – Phước Long – Bình Long, ĐD 500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là tìm nguồn vốn đầu tư và lấy đâu ra nhiên liệu để vận hành khi nhà máy đi vào hoạt động?.
Khó cân bằng tài chính và nhiên liệu
Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó TGĐ EVN cho biết, hiện tại EVN chưa cân bằng được tài chính, chưa có nguồn trả nợ, vốn tự có và vốn vay đều thiếu. Việc thua lỗ liên tiếp (năm 2010 lỗ trên 8.000 tỷ đồng, năm 2011 lỗ trên 3.500 tỷ đồng) càng khiến cho năm 2012 EVN có nguy cơ không vay được vốn.Đó là chưa kể chênh lệch tỷ giá cùng với khoản nợ ngày càng tăng do chưa trả được tiền mua điện cho Vinacomin và PVN.
Vì vậy, nhu cầu vốn đầu tư của EVN giai đoạn 2011-2015 là 501.470 tỷ đồng nhưng nay mới cân đối được khoảng 63% (315,224 tỷ đồng), còn 186.245 tỷ đồng chưa biết trông vào đâu.
Nhiên liệu cho sản xuất điện cũng là vấn đề rất nan giải. Theo phương án tăng trưởng điện 13%, nhu cầu khí cho điện phảiđạt 8,2 tỷ m3/năm, than cho điện sẽ tăng từ 5,85 triệu tấn (năm 2011) lên 24,75 triệu tấn (năm 2015). Tuy nhiên, PVN chỉ cam kết cung cấp 5,71 tỷ m3/năm trong giai đoạn 2013-2015. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp điện cho miền Nam và chi phí giá thành điện do phải chạy dầu. Ngoài ra, nếu khí Lô B chậm đưa vào bờ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát điện năm 2015 của Trung tâm điện lực Ô Môn
Nguồn than nội địa cũng chỉ đáp ứng được 80%, còn 20% phụ thuộc vào nhập khẩu. Vấn đề là, cho đến giờ này vẫn chưa biết sẽ nhập khẩu than từ đâu, giá cả thế nào?…
Niềm hy vọng lớn nhất là các hồ thủy điện thì lại phải “trăm sự nhờ trời” vì việc tích nước hồ hàng năm phải trông vào các trận lũ. Hơn nữa, việc điều tiết nước hồ chứa không chỉ phục vụ phát điện mà còn phải đảm bảo tưới tiêu, thau chua rửa mặn, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho hạ du trong các tháng mùa khô.
Mình EVN không kham nổi
Để đạt mục tiêu cung ứng điện giai đoạn 2012-2015,EVN phấn đấu hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành 42 tổ máy thuộc 20 dự án nguồn với công suất 11.594MW ở các nhà máy điện do EVN làm chủ đầu tư và giữ cổ phần chi phối. Đưa vào vận hành khoảng 330 công trình lưới điện 220-500 kV với tổng chiều dài 15.250 km, tổng dung lượng máy biến áp gần 50.000 MVA. Đồng thời, tích cực đàm phán mua điện từ Trung Quốc
Ông Lộc cho biết, EVN đang đề nghị PVN nâng sản lượng cấp khí cho các nhà máy điện; sớm đưa vào vận hành khí Lô B cấp cho Trung tâm điện lực Ô Môn. Phối hợp với Vinacomin cân đối nguồn than trong nước cho các dự án đang vận hành. Phối hợp với các nhà đầu tư nước ngoài phát triển các nhà máy điện than theo hướng nhà đầu tư tự tìm nguồn than cho nhà máy.
Cùng với hàng loạt giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và huy động vốn, EVN phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thànhthoái vốn tại các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với tổng số tiền đã góp là 1.102 tỷ đồng. Bán bớt cổ phần của EVN tại một số nhà máy phát điện mà nhà nước không cần nắm giữ. Hoàn thành thị trường điện cạnh tranh theo lộ trình; Áp dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý vận hành hệ thống; Đào tạo nhân lực; Tăng cường hợp tác quốc tế; Nâng cao năng suất lao động. Áp dụng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả…
Tuy nhiên, theo ông Lộc, để đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện trong điều kiện tài chính và nguồn cung ứng nhiên liệu hiện nay, bản thânEVN sẽ không thể tự xoay sở nếu không có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Vì vậy, EVN kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo PVNvà Vinacomin đảm bảo cung cấp khí và than liên tục, đầy đủ cho các nhà máy điện đang vận hành. Chỉđạo các đơn vị ngoài EVN đảm bảo tiến độ các dự án điện theo kế hoạch. Kiến nghị Bộ tài chính có cơ chế hỗ trợ vốn cho PVN để EVN được khoanh nợ tiền mua điện của PVN đến tháng 9/2011.
EVN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Cho phép thành lập Quỹ bình ổn giá điện. Đồng thời, phân bổ sớm vào giá điện các khoản còn lại chưa tính hết vào giá điện của các năm trước để EVN có nguồn vốn thanh toán các khoản nợ còn tồn đọng.
Ưu tiên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho các dự án điện, bảo lãnh cho các hợp đồng vay vốn nước ngoài của EVN và các đơn vị thành viên. Cho phép các ngân hàng thương mại cho EVN vay vốn mà không bị giới hạn tỷ lệ 15% vốn tự có (với 1 khách hàng) và 25% vốn tự có (với 1 nhóm khách hàng). EVN cũng đề nghị được vay vốn tín dụng ưu đãi trong nước phục vụ di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương hỗ trợ tích cực trong việc giải phóng mặt bằng cho các dự án điện. Đồng thời, cho phép EVN được bán bớt cổ phần ở những nhà máy công suất tới 500 MW không thuộc danh mục Nhà nước cần giữ cổ phần chi phối.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục có kế hoạch ưu tiên vốn ngân sách cấp điện cho các khu vực nông thôn chưa có điện trên cả nước (251 xã với khoảng 700.000 hộ dân), đây hầu hết đều là các xã đặc biệt khó khăn, hộ dân nghèo và dân tộc ít người.