Từ cây sáng kiến đến nhà sáng chế |
Ý tưởng giữa cơn mưa
Buổi chiều mưa tầm tã năm 1962, một người đàn ông cảm thấy khó chịu khi đang lái xe: Cái gạt nước cứ đong đưa liên hồi trước mắt khiến ông "không tập trung được".
Robert Kearns cầm trên tay nguyên mẫu sáng chê |
Người lái xe này là Robert Kearns, sinh năm 1927 tại thành phố Detroit (bang Michigan) - nơi được mệnh danh là thủ phủ ngành ôtô Hoa Kỳ.
Ngay từ nhỏ, ông đã tham quan khu công nghiệp phức hợp River Rouge của hãng ôtô Ford (vốn là khu nhà máy tích hợp lớn nhất thế giới lúc đó) và vô cùng ngưỡng mộ những sản phẩm của gã khổng lồ ôtô này.
Vào thời của Robert Kearns, gạt nước ôtô được vận hành bằng một hệ thống chân không và chỉ có hai chế độ lâm râm hoặc tầm tã. Dù ở chế độ nào thì gạt nước cũng đong đưa liên hồi. Với Robert Kearns, đó là một sự xao nhãng khó chịu, đến mức ông tự nghĩ "tại sao gạt nước lại không hoạt động giống như cái chớp mắt của con người nhỉ?".
Thế là Robert Kearns lên ý tưởng về một hệ thống gạt nước có thể gạt một lần rồi ngưng, đồng thời cho phép người lái điều chỉnh tần suất và tốc độ gạt. Ông giam mình trong một góc tầng hầm giữa đống dụng cụ sẵn có gồm những bóng bán dẫn, tụ điện, điện trở... để làm ra nguyên mẫu hệ thống gạt nước gián đoạn đầu tiên.
Cuộc chào hàng định mệnh
Robert Kearns mong muốn có một buổi đối thoại với Ford - hãng xe thần tượng thời thơ ấu - để trình bày phát kiến và thương lượng làm ăn với hãng này.
Robert Kearns trong một phiên tranh tụng |
Nhờ những mối quan hệ, ông dễ dàng sắp xếp được cuộc gặp mặt dự kiến chừng 45 phút với đội ngũ kỹ sư của Ford. Kế hoạch rất đơn giản, ông sẽ làm họ há hốc mồm với phát kiến mới, ký một thỏa thuận xác nhận bản quyền công nghệ, mở một nhà máy sản xuất gạt nước, để rồi trở thành nhà cung cấp gạt nước độc quyền cho tất cả các hãng xe.
Ford rất hứng thú và đề nghị Robert một hợp đồng kèm một điều kiện: Ford cho rằng gạt nước là một trang bị an toàn, nên Robert Kearns phải tiết lộ mọi yếu tố kỹ thuật cho hãng trước khi hai bên ký kết.
Nhà sáng chế không nghĩ ngợi gì nhiều ngoài việc cảm thấy cơ hội làm ăn đã đến, nên ông không chút giấu giếm cách thức hoạt động của thiết bị. Hai bên vui vẻ hợp tác được… 5 tháng thì Ford sa thải Robert Kearns với lý do hãng đã chế ra được hệ thống gạt nước riêng nên không cần ông nữa.
Thói quen xấu
Như một thông lệ, các hãng ô tô luôn lãnh siêu lợi nhuận khi bán phụ kiện và các nâng cấp kèm theo xe, nên một trang bị như gạt nước công nghệ cao sẽ giúp các hãng đếm tiền mỏi tay.
Truyến thông đưa tin về vụ kiện |
Năm 1969, Ford ra mắt hệ thống gạt nước gián đoạn "nhà làm" trên dòng xe Mercury của hãng: Chỉ tốn 10 đô sản xuất nhưng bán ra tận 37 đô. Từ đó, gạt nước gián đoạn thành trào lưu khắp ngành ôtô. Đến giữa thập niên 1970, từ hãng bình dân như Honda cho đến cái tên hạng sang như Rolls-Royce đều có phiên bản gạt nước gián đoạn của riêng mình. Tất cả đều y chang nguyên mẫu của Robert Kearns. Nhà sáng chế tội nghiệp sốc toàn tập khi phát hiện sự ăn cắp trắng trợn của giới sản xuất ôtô, đến mức tinh thần ông suy sụp và ông phải điều trị tâm lý suốt hai tuần, còn mái tóc ông từ màu hung đỏ trở nên bạc trắng.
Khi bình phục, ông nhờ luật sư thảo một lá thư thông báo vi phạm bản quyền sáng chế cho Ford và ông nhận được phản hồi không thể trớ trêu hơn: Ford không hề ăn cắp sáng kiến của Robert Kearns và bản quyền của ông không có hiệu lực vì "không đủ sáng tạo".
Năm 1978, Robert Kearns đâm đơn kiện Ford vi phạm bản quyền sáng chế với mong muốn bồi thường 350 triệu đô - hay 50 đô cho mỗi hệ thống gạt nước Ford bán ra. Ông lớn ôtô cũng không vừa khi tác động cho vụ kiện đứng bánh với hy vọng nhà sáng chế sẽ hụt hơi vì thiếu kinh phí theo đuổi kiện tụng, từ đó vụ việc chìm xuồng.
Châu chấu đá… (hãng) xe
Trong suốt quá trình kiện tụng cho đến tuổi cổ lai hy, nhà sáng chế đã thuê năm hãng luật, để rồi sau cùng ông tự làm luật sư cho chính mình. Ông ngủ trên sàn phòng làm việc, vây quanh là hàng chồng hồ sơ chứng cứ. Ông nhờ con mình tỏa đi tìm thêm tài liệu chứng minh. Ông bị ám ảnh với vụ kiện đến mức vợ ông đệ đơn ly dị ông. Ông vẫn tiếp tục bất chấp vụ kiện diễn ra ỳ ạch vô định, vì ông muốn cho thế giới biết các tập đoàn lớn đã ăn cắp bản quyền như thế nào.
Ford đề nghị 30 triệu đô để ông từ bỏ vụ kiện, ông từ chối thẳng. Ông nói: "Nếu tôi cầm một tấm chi phiếu và ra khỏi tòa, tôi chẳng khác gì một nhân viên của Ford".
12 năm sau ngày đâm đơn kiện, đến tháng Một 1990, vụ việc cũng được đưa ra xét xử. Ford bán được 20,6 triệu chiếc xe có trang bị gạt nước gián đoạn (tương đương 575 triệu đô lợi nhuận), nhưng tòa án buộc hãng chỉ phải trả Robert một khoảng bồi thường vỏn vẹn 10,2 triệu đô.
Dư âm
Triệu phú mới nổi Robert Kearns tiếp tục sống thanh bạch, ngủ trên sàn nhà thô kệch cùng với những chồng tài liệu kiện tụng. Qua năm sau, ông trở lại tòa án trong một vụ kiện tương tự với bị đơn là hãng xe Chrysler. Một lần nữa ông tự biện hộ cho mình và một lần nữa ông lại được bồi thường - lần này lên đến 18,7 triệu đô. Robert Kearns không thèm nhận cái "giải thưởng an ủi" đó như một cách phản đối phán quyết.
Khi ông qua đời năm 2005, gạt nước gián đoạn là trang bị tiêu chuẩn trên hàng triệu chiếc ôtô khắp thế giới. Ông được xem là người hùng của những nhà sáng chế vì đã đứng lên chống lại thói "ăn cắp trước, bồi thường sau" của các tập đoàn lớn. Chỉ tiếc là ông không thể đòi lại được cái mà ông mong muốn ngay từ đầu: Bản quyền sáng chế mang tên ông.