Cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đã gây thiệt hại cho các nước Đông Nam Á phụ thuộc vào xuất khẩu - nơi tăng trưởng trong năm nay được dự báo sẽ chậm xuống mức thấp nhất trong 5 năm nay. Trong dự thảo tuyên bố cuối cùng cho hội nghị cấp cao, các nhà lãnh đạo sẽ bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc đối với căng thẳng thương mại đang gia tăng và làn sóng bảo hộ và chống lại toàn cầu hóa đang diễn ra”. Cũng có ý kiến cho rằng, việc Mỹ- một đối tác thương mại quan trọng của ASEAN cử một phái đoàn tới tham dự hội nghị và đại diện Trung Quốc là Thủ tướng Lý Khắc Cường, là dấu hiệu cho thấy vai trò của Mỹ đang suy yếu như là một biện pháp đối phó với sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Các nước Đông Nam Á cùng tìm kiếm một tiếng nói chung để bảo vệ lợi ích của mình khi đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ thương mại. 10 quốc gia thành viên của ASEAN từ lâu nay đã loay hoay với kế hoạch tạo ra một khu vực thương mại tự do. ASEAN là một thị trường lớn cho toàn thế giới và không muốn tham gia vào một cuộc chiến thương mại.
Các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia đều tới Băng Cốc để tham dự hội nghị cấp cao năm nay với tinh thần sẽ tiến tới kết thúc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Nếu được hoàn thiện, đây sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm gần một nửa dân số toàn cầu và khoảng một phần ba GDP. Nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ, với một số quốc gia như Ấn Độ làm dấy lên mối lo ngại về tràn lan hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Marty Natalegawa - cựu Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia cho biết, việc hoàn tất đàm phán RCEP đã trở thành một thử nghiệm quan trọng đối với khả năng của ASEAN trong việc duy trì vai trò trung tâm trong khu vực.