Cuộc đua giành ghế Tổng giám đốc IMF
- Từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc đến nay, các nước Tây phương chia nhau lãnh đạo hai định chế tài chính quan trọng nhất thế giới: Hoa Kỳ điều hành Ngân hàng Thế giới, còn châu Âu thì nắm IMF. Nói cách khác, các nước giàu giữ tiền và đặt điều kiện trợ giúp các quốc gia kém phát triển hơn. Vấn đề là các nước giàu ngày nay đã không còn tiền như ngày trước, còn một số anh nhà nghèo hôm qua, như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ nay đã có “kho bạc” trong nhà. Các tay nhà giàu mới này bắt đầu muốn chia phần.
Trong IMF, do sự thúc đẩy của cựu Tổng giám đốc Dominique Strauss-Kann, tiếng nói của các quốc gia đang phát triển đã được tăng cường trong ban điều hành gồm 24 thành viên. Đây là một cải cách hợp lý, vì Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ đã trở thành những tác nhân không thể thiếu trong sinh hoạt kinh tế toàn cầu. Châu Âu cũng đồng ý với thế quân bình này, cho đến khi vùng đồng tiền chung euro xảy ra khủng hoảng tại Hy Lạp, Ailen, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…. Dựa vào lý do này, giới lãnh đạo châu Âu tiếp tục muốn IMF phải do một chuyên gia châu Âu lãnh đạo.
Nhân vật có thể nói là sáng giá nhất hiện nay là bà Christine Lagarde, bộ trưởng Kinh tế Tài chính Pháp. Được biết bà Christine Lagarde chính thức thông báo ra tranh cử. Theo thủ tục, vào ngày 10/6/2011, IMF khóa sổ nhận đơn. Danh sách này sẽ được tuyển lọc, để chỉ còn ba người vào chung kết. Đến cuối tháng 6, ba nhân vật này sẽ điều trần trước 24 thành viên ban điều hành IMF và người được nhiều phiếu nhất sẽ lên thay ông Dominique Strauss - Kann, hiện đang bị quản thúc do vụ án tình dục.
Theo giới phân tích thì ứng cử viên Christine Lagarde có nhiều cơ may nhất. Paris, Luân Đôn, Berlin hoan nghênh… người phụ nữ có nhiều uy tín này như một vị cứu tinh vào lúc tài chính vùng euro bị khủng hoảng. Báo chí thế giới xem nữ bộ trưởng Kinh tế Tài chính Pháp như một “minh tinh”. Tạp chí Forbes của Mỹ xếp bà vào vị trí thứ 17 của những người phụ nữ có nhiều quyền lực nhất thế giới. Trong IMF, Liên hiệp châu Âu có đến một phần ba số phiếu, Úc đã lên tiếng ủng hộ châu Âu, nếu Hoa Kỳ, giữ 17% số phiếu, nghiêng theo thì khó có một ứng cử viên nào khác có thể chiến thắng. Các nước trong nhóm BRICS tuy chỉ trích châu Âu, nhưng không đưa ra được một ứng cử viên chung, ít ra là cho đến hôm nay.
Sau khi bà Christine Lagarde chính thức thông báo ra tranh chức Tổng giám Đốc IMF, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee tuyên bố: Các nước đang phát triển sẽ tìm một ứng cử viên chung. Phía Trung Quốc thì hoàn toàn không nhắc đến tên bà Christine Lagarde trong lại khi yêu cầu việc chọn lựa phải theo “một tiến trình dân chủ và minh bạch”.
Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay tại châu Âu, IMF phải do một nhân vật châu Âu lãnh đạo. Vì ngoài khả năng điều hành nhân vật này còn phải thông suốt vấn đề chính trị của châu Âu mới có thể đàm phán để tìm ra liều thuốc đắng, nhưng phải tôn trọng sự cân bằng giữa đường lối chung và các biện pháp cụ thể. Nhìn lịch sử thành lập IMF và mục đích hoạt động, thì Tổng giám đốc phải là Mỹ hay châu Âu. Nhưng Mỹ tránh tiếng là dùng IMF để thống trị, nên dành cho châu Âu.
Quỳnh Anh Theo RFI