Lãi suất huy động tăng cao, gửi ngân hàng nào nhiều ưu đãi? Tăng lãi suất huy động, ngân hàng mong được nới "room" tín dụng Cuộc đua lãi suất huy động “tăng nhiệt” |
Sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng trần lãi suất tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 1%, lên 6%/năm hôm qua (24/10), nhiều ngân hàng chưa vội công bố ngay mà đợi đến chiều nay (25/10) mới hé lộ biểu lãi suất huy động mới.
Từ 13h chiều 25/10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động tiền gửi ở một loạt kỳ hạn, với cả hình thức gửi tại quầy và online.
Với gửi tại quầy ngân hàng này tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 4,1-4,6%/năm trước đó lên 5,6-6%/năm theo biểu lãi suất mới, tương đương mức tăng 1,4-1,5%. Với hình thức gửi tiền online, các kỳ hạn 1-5 tháng đều được áp dụng lãi suất kịch trần 6%/năm.
Các kỳ hạn dài như kỳ hạn 6-11 tháng tăng từ mức 5,8-6,3%/năm lên 7-7,25%/năm nếu gửi tại quầy và cao hơn nếu gửi online. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi tại quầy và online tăng từ mức 6,5%/năm và 6,9%/năm lên mức 7,3%/năm và 7,8%/năm.
“Cuộc đua” lãi suất huy động lại “nóng”, gửi tiền tại đâu nhận lãi cao? |
Biểu lãi suất mới áp dụng từ chiều nay của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng có mức tăng phổ biến là 1-1,2 % ở tất cả kỳ hạn. Các kỳ hạn ngắn 1-5 tháng hiện có lãi suất cố định ở mức 5,7%/năm, tăng 1% so với trước. Kỳ hạn 6-11 tháng có lãi suất 6,7-6,85%/năm, tăng 0,8-1,3%. Kỳ hạn 12 tháng có lãi suất 6,9%/năm, tăng 0,8% và các kỳ hạn dài 24-36 tháng hưởng lãi suất tối đa 7,4%/năm, tăng 1,2% so với đầu tháng 10.
Tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), lãi suất tiền gửi 1-5 tháng được nâng từ 5%/năm lên kịch trần 6%/năm, với số dư tiền gửi dưới 1 tỷ đồng. Còn với kỳ hạn dài, ngân hàng này cũng điều chỉnh tăng phổ biến 0,6-0,8% so với hồi đầu tháng 10.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng dao động quanh mức 7,6-7,7%/năm, tăng từ mức 7-7,05%/năm trước đó. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động đưa ra đã tăng từ 7,2%/năm lên 8%/năm.
Biểu lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) - một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất thị trường - áp dụng từ chiều nay cũng tăng ở hầu hết kỳ hạn. Các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng đều được tăng kịch trần 6%/năm.
Với kỳ hạn 6-11 tháng, NCB trước đó có lãi suất huy động 6,75-6,85%/năm đến nay đã tăng lên mức 7,45-7,55%/năm nếu gửi tiền tại quầy và 8-8,1%/năm nếu gửi tiền online. Tại kỳ hạn 12 tháng, đầu tháng 10 các khách hàng gửi tiền vào NCB chỉ nhận được mức lãi suất xấp xỉ 7%/năm nhưng đến nay lãi suất đã tăng lên 7,65%/năm nếu gửi tại quầy và 8,2%/năm nếu gửi online.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng với gửi tiết kiệm tại quầy lên lần lượt 5,7%/năm và 5,9%/năm. Kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lên 6,8%/năm và 7,5%/năm. Kỳ hạn 36 tháng lãi suất là 7,8%/năm. Nếu gửi tiết kiệm online thì lãi suất cao nhất lên đến 7,85%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, còn nếu gửi từ kỳ hạn 12 - 24 tháng lãi suất cũng lên đến 7,8%/năm.
Còn tại bốn ngân hàng TMCP trong nhóm Big4 là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank công bố lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng quanh mức 6 - 6,4%/năm. Và kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng quanh mức 4 - 4,5%/năm.
Hàng loạt ngân hàng đã có động thái mới, tuy nhiên vẫn còn một số ngân hàng chưa công bố biểu lãi suất mới, ngay cả những ngân hàng vốn duy trì mức lãi suất huy động cao so với mặt bằng chung. Như: Ngân hàng số Cake by VPBank trước đó từng đưa ra mức lãi suất huy động lên tới 9,5%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi kỳ hạn 36 tháng và số tiền gửi tối thiểu 300 triệu đồng. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất thị trường thời điểm đó.
Tuy nhiên sau đó đến ngày 19/10 Cake đã giảm mức lãi suất cao nhất xuống còn 8,8%/năm với cùng kỳ hạn và số tiền gửi. Ở kỳ hạn 6 tháng với số tiền dưới 50 triệu đồng, lãi suất là 8,2%/năm. Theo ghi nhận, đến cuối ngày 25-10 Cake vẫn giữ nguyên mức lãi suất này.