Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Trung có thể tiếp tục đẩy lùi đến tháng 6
Mặc dù, ban đầu, người ta hy vọng rằng họ sẽ có thể đạt được thỏa thuận nhanh hơn, nhưng các nguồn tin từ quan chức hai bên trên South China Morning ngày 16/3 cho thấy cuộc họp vào tháng 4 ít có khả năng xảy ra, trong khi một cuộc họp khác có thể được tổ chức trong tháng 6.
Các quan chức của cả hai quốc gia đang đẩy mạnh các cuộc đàm phán về văn bản của thỏa thuận thương mại, nhưng trong nội bộ chính quyền Trump đang có những sự chưa thống nhất liên quan đến thỏa thuận với Trung Quốc. Sự chia rẽ chính trong Nhà Trắng là về tầm quan trọng của một cơ chế thực thi để đảm bảo phía Trung Quốc tuân theo thỏa thuận của mình, hoặc liệu nó có đủ để đảm bảo một thỏa thuận về nguyên tắc và tuyên bố thành công hay không. Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ban đầu dự kiến sẽ gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida vào cuối tháng 3, nhưng Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad sau đó nói rằng hội nghị thượng đỉnh đã bị trì hoãn vì thỏa thuận vẫn đang được thảo luận. Có vẻ như họ sẽ gặp nhau vào tháng 4, nhưng bây giờ thời gian biểu lại được thay đổi một lần nữa. Tuy nhiên, hai bên đang nỗ lực để giữ đà đàm phán khi Tân Hoa Xã cho biết, tiến trình cụ thể đã được thực hiện sau cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin vào ngày 14/3.
Vẫn chưa biết hai nhà lãnh đạo Mỹ- Trung sẽ gặp nhau ở đâu vào tháng 6, nhưng Chủ tịch Trung Quốc cũng dự kiến sẽ tới Osaka ở Nhật Bản cho hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra trong thời gian này. Mỹ đã thúc đẩy Trung Quốc giải quyết một số bất bình từ lâu bao gồm cáo buộc trộm cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi ông Lighthizer- người đã thúc giục Tổng thống Trump áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, là một trong những nhân vật chính thúc đẩy một cơ chế thực thi để đảm bảo rằng Bắc Kinh tuân thủ mọi cam kết mà họ đưa ra. Nhưng Bắc Kinh đã bị báo động bởi các đề xuất và lập luận rằng việc thực thi phải là một cách hai chiều, công bằng và bình đẳng. Lập trường cứng rắn được đưa ra bởi nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Washington, đã giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ, cũng như sự tôn trọng từ các đối tác Trung Quốc, những người mô tả ông là người có định hướng chi tiết và không thể lùi bước.
Mặc dù căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ vượt ra ngoài thương mại và vào các lĩnh vực như công nghệ và an ninh, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Trung ở Argentina vào tháng 12 năm ngoái đã dẫn đến sự tạm dừng leo thang trong cuộc chiến thuế quan. Sau đó, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý hoãn tăng thuế cho đến ngày 01/3 và Mỹ đã đồng ý hoãn vô thời hạn sau cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Tổng thống Donald Trump vào cuối tháng 2. Những cuộc đàm phán ban đầu đã được lên kế hoạch trong hai ngày, nhưng đã được kéo dài thêm hai ngày nữa. Các nhà phê bình cho rằng sự nhiệt tình của Tổng thống Trump, đối với nhiều mức thuế có thể đã giảm bớt do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán gần đây và mối lo ngại về nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là từ những người nông dân dựa vào xuất khẩu sang Trung Quốc. Cũng có ý kiến cho rằng những cải cách đối với các chính sách kinh tế của Trung Quốc mà Mỹ yêu cầu có thể mất nhiều năm để ban hành.