Giá container sang Mỹ lên tới 10.000 USD khi thắt chặt vận chuyển Giá cước vận tải tăng quá cao, doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lo mất thị trường |
Giá cước vận chuyển container tiếp tục tăng mạnh
Chia sẻ tại diễn đàn “Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện giãn cách phòng, chống Covid-19”, diễn ra chiều 29/7, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T - cho biết, giá cước vận chuyển container đi Mỹ hiện là 9.600 USD/container (40 feet), tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước dịch. Thậm chí chi phí logistics đi TP. New York lập đỉnh mức 18.000 – 19.000 USD/container, tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước dịch.
Ảnh minh họa |
Tất cả những chi phí phát sinh này sẽ tính vào giá thành, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm. Bất cập hiện này là tình trạng thiếu container rỗng. Tuy nhiên thực tế container nhập khẩu tồn tại các cảng còn rất nhiều do các nhà nhập khẩu đang ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Điều này khiến lượng container dư thừa còn nhiều trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu thiếu trầm trọng. Do đó, cần có biện pháp thương lượng với hãng tàu và kìm hãm giá cước logistics.
Bên cạnh chi phí logistics, ông Tùng cho hay, việc các tỉnh phía Nam áp dụng “giờ giới nghiêm” cũng ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch, chế biến và thời gian xuất khẩu trái cây. Thông thường công ty tiến hành thu hoạch trái cây vào khoảng 4h - 6h30, sau đó đưa hàng về sơ chế đến khoảng 22h và sản lượng đạt khoảng 100 tấn. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định thì 6h người lao động mới được ra ngoài để đi thu hoạch và phải về nhà trước 18h. Điều này khiến hiệu quả công việc, công suất nhà máy giảm mạnh, chỉ bằng 20-30% so với trước đây.
Trong khi đặc thù các loại trái cây tươi sau khi thu hái về phải xử lý ngay. Nếu trước đây mỗi ngày doanh nghiệp có thể xử lý và xuất đi vài container trái cây nhưng hiện nay phải dồn nhiều ngày mới đủ một container, phát sinh thêm rất nhiều chi phí và ảnh hưởng lớn tới chất lượng trái cây.
Vận chuyển giữa các địa phương tại các tỉnh miền Nam tạm thời đã được tháo gỡ, tuy nhiên, phía doanh nghiệp lo ngại thu hoạch sản xuất sắp tới gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi không tiếp nhận “3 tại chỗ” dù doanh nghiệp cam kết “1 cung đường 2 địa điểm”. Trong khi đó, đối với nhiều nông sản, việc thu hoạch nông sản cần có chuyên môn chứ không phải ai cũng làm được, trái dừa là một ví dụ.
Cùng quan điểm, bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - cho biết, hiện cước phí logistics đã vượt ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp và cũng là bài toán khó đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây. Giá logistics tăng phi mã, doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đấu tranh với chính mình về việc tiếp tục hay dừng lại. Bởi, nông sản tồn kho có giá trị lớn, nếu không đảm bảo được an toàn thì con số thiệt hại của doanh nghiệp cũng nhân lên nhiều lần.
Không chỉ doanh nghiệp ngành trái cây bị ảnh hưởng, doanh nghiệp ngành thủy sản, ngành gỗ cũng "kêu trời" bởi từ đầu tháng 6/2021 đến nay, giá vận tải container đi Mỹ tăng theo từng tuần. Đối với container lạnh, nếu tháng 4/2021 chỉ khoảng 7.500 USD thì tuần đầu tháng 7/2021, cước vận tải đã tăng gần gấp đôi, lên 13.000 - 14.000 USD/container. Hiện, chi phí vận chuyển của một container 40 feet đi Mỹ đã chạm mốc 20.000 USD. Trong khi trước đó khoảng 2 tháng, giá cước chỉ ở mức 8.000 USD/container.
Không chỉ chặng đi Mỹ, giá cước chở container trên các tuyến dịch vụ từ Việt Nam đi EU cũng gia tăng chóng mặt. So với thời điểm tháng 4/2021, cước của một container đến một số cảng biển tại Nga đã tăng lên 5.000 - 6.000 USD, đạt mức 15.000 USD/container 40 feet. Giá cước cao, việc đặt chỗ trên tàu ngày càng khó khiến việc xuất khẩu hàng hóa của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh.
Lo ngại mất thị trường xuất khẩu
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, việc tăng giá cước vận chuyển đường biển là một vấn đề hết sức nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu hồ tiêu, việc giá cước vận tải đường biển tăng giá phi mã, liên tục và không có lộ trình khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Giá cước vận chuyển quá cao dẫn đến việc các doanh nghiệp xuất khẩu đánh mất thị trường về tay các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chúng ta.
Cụ thể, thời gian gần đây, Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam và quan trọng nhất là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam. Với tình hình cước tăng liên tục và không có chiều hướng giảm như hiện nay ngành hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh ở các thị trường Mỹ và EU và cứ tiếp tục như vậy, nông sản Việt Nam sẽ đi về đâu? Nguy cơ đánh mất thị trường trọng điểm vào tay đối thủ cạnh tranh đang hết sức cấp bách.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đấu tranh nên tiếp tục hay dừng lại? Nếu đi tiếp thì chi phí quá cao, doanh nghiệp không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Trong khi đó, nếu dừng lại thì an sinh xã hội cho người lao động không có, trong khi đơn hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng và như vậy doanh nghiệp sẽ bị mất thị trường xuất khẩu vào các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. "Thị trường xuất khẩu chính của chúng tôi là Mỹ, việc ngưng hoặc hạn chế xuất khẩu trái cây thì đối tác sẽ chuyển sang mua của Thái Lan...", ông Nguyễn Đình Tùng nói.
Cùng chung quan điểm này, bà Ngô Tường Vy cho rằng cần có kênh thông tin điện tử để cập nhật chi phí cước vận chuyển theo tuần cho doanh nghiệp nắm bắt, kiểm soát chi phí logistics. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, không tận dụng cơ hội kiếm lời trong giai đoạn khó khăn này.
Trước những khó khăn chồng chất khó khăn như trên, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đề nghị các Bộ ngành, Hiệp hội liên quan báo cáo với Thủ tướng Chính phủ làm việc với các hãng tàu, xem xét tìm cách tháo gỡ “vấn nạn thiếu container, thiếu chỗ” và đưa giá cước trở lại như trước đây. Đồng thời, tác động yêu cầu các hãng vận chuyển công khai, minh bạch giá cước vận chuyển trên website chính thức của công ty, công bố lộ trình biểu phí rõ ràng, tránh việc nhiễu loạn giá cước như hiện nay, chấm dứt hiện tượng các đại lý hãng tàu lạm quyền "o ép" doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của tình trạng giá cước “tăng phi mã” là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Việc giá cước tăng đến bao giờ phụ thuộc vào các nước giải quyết dịch đến đâu. Trong bối cảnh hơn 90% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài, trước tình hình giá cước vận tải container tăng cao lại khó đặt chỗ trên tàu, việc chủ động hạn chế xuất hàng đi Mỹ, chuyển sang thị trường khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh... để hàng hóa lưu thông dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng hạn chế ký kết những hợp đồng dài hạn, tăng cường các hợp đồng mang tính thời vụ để tránh rủi ro về sự leo thang của giá cước được các chuyên gia khuyến nghị.