Đà Nẵng - Thành phố của những cây cầu |
1. Nhiều người nói rằng, thành công của Đà Nẵng xuất phát từ việc thực hiện hiệu quả chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, khi chính quyền thành phố có những hoạt động thiết thực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đó là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ mặt bằng sản xuất - kinh doanh, tạo thuận lợi tiếp cận hỗ trợ tài chính tín dụng, chủ động tích cực tổ chức gặp gỡ đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp... Thật ra, tất cả đó chỉ là một phần vì nhiều địa phương cũng tổ chức “Năm doanh nghiệp” rất nhiều lần, thậm chí còn làm cả trước Đà Nẵng nhưng kết quả không cao. Thành công của Đà Nẵng trước hết là sự đồng thuận, tạo một khối thống nhất giữa nhân dân với chính quyền địa phương, giữa chính quyền với doanh nghiệp. Trong đó chuyển biến mạnh nhất là cơ sở hạ tầng: khu công nghiệp; đường giao thông; các dịch vụ công cộng (viễn thông, năng lượng); công nghệ thông tin… được người dân Đà Nẵng đánh giá cao và cũng là niềm mơ ước của nhiều tỉnh, thành phố khác…
2. 40 năm sau ngày giải phóng, đặc biệt là 18 năm khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bằng bản lĩnh, quyết tâm, sự đồng thuận và khát vọng “hóa rồng” của mình, Đà Nẵng đã thực sự vươn mình trở thành “rồng” của cả khu kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, giao thông vận tải được chọn là mũi nhọn và là “cú hích” phát triển kinh tế, biến Đà Nẵng thành một đô thị trẻ trung, hiện đại. Trong đó, nhiều dự án, công trình cầu, đường … là những công trình kiến trúc mỹ thuật, trở thành biểu tượng riêng của “thành phố đáng sống” này.
Nếu trước năm 1975, bờ đông sông Hàn chỉ cách thành phố một dòng chảy chưa đầy 500m nhưng chẳng khác vùng xa, vùng sâu. Thế mà ngay sau khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương năm 1997, với phát lệnh khởi công xây dựng cầu quay Sông Hàn. 3 năm sau, cây cầu đã hoàn thành, không những là cây cầu đẹp, hoành tráng mà còn có ý nghĩa quan trọng, đẩy nhanh phát triển kinh tế cả vùng phía đông sông Hàn với hàng chục vạn dân. Sau đó là những cây cầu như Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Tuyên Sơn... nối đôi bờ sông Hàn cũng lần lượt ra đời. Đặc biệt tháng 3/2009, cầu Thuận Phước - cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam bắc qua eo biển Tiên Sa đã được đưa vào sử dụng, rồi cầu Rồng nối đô thị trung tâm sang tuyến biển Sơn Trà, cầu Trần Thị Lý… Tất cả đều có kiến trúc độc đáo, đẹp, lạ, như những cánh buồm căng gió đang vươn ra biển lớn độc đáo nhất Việt Nam. Và mới đây kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng, Đà Nẵng lại có thêm một công trình mới mang điểm nhấn kiến trúc nữa là cầu vượt 3 tầng Ngã ba Huế… Điều đó đã khiến nhiều khách tham quan ca tụng “Đà Nẵng là thành phố của những cây cầu” . Trong số đó, Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam đã công nhận cầu Sông Hàn là cầu quay hiện đại nhất; cầu Thuận Phước - cầu dây võng dài nhất Việt Nam; cầu Rồng - cầu thép dài nhất và hầm đường bộ Hải Vân là hầm dài và hiện đại nhất Việt Nam. Hơn thế nữa trở thành đòn bẩy kích thích sự phát triển kinh tế của thành phố năng động nhất khu vực miền Trung này.
Chuyển biến mạnh nhất ở Đà Nẵng là cơ sở hạ tầng được người dân đánh giá rất cao |
Bỏ qua những kỷ lục, ở Đà Nẵng cứ mỗi cây cầu ra đời đã “sinh ra” thêm nhiều khu dân cư mới, những vệt biệt thự, khu nghỉ dưỡng, resort cao cấp…, biến vùng đất Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn trước đây vốn dĩ là những khu dân cư nghèo, nham nhở bùn đất, thiếu đường, thiếu điện, thiếu nước, thiếu cả thông tin liên lạc bây giờ trở thành những khu dân cư đáng sống... Chỉ riêng con đường Hoàng Sa chạy dọc bờ biển hoang sơ trước kia không ai muốn đến bây giờ đã có trên 60 dự án du lịch, khu resort triệu đô mọc lên…
Ngày 15/4/2015, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt “Đề án tái cơ cấu kinh tế TP. Đà Nẵng đến năm 2020”. Theo đó, đến năm 2020, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 62-65%; công nghiệp - xây dựng: 35-37%; nông nghiệp: 1-3%. Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển các ngành, sản phẩm dịch vụ có lợi thế cạnh tranh như: du lịch, thương mại, viễn thông, vận tải, dịch vụ logistics, giáo dục và đào tạo, chăm sóc y tế... Ưu tiên khai thác các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược (Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, ASEAN, Úc); tập trung khai thác, duy trì và mở rộng hiệu quả các thị trường Nga, Đông Âu, Trung Đông, châu Phi. |
3. Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là tất cả, trong một cuộc họp UBND mới đây, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ - cho rằng: “Đẩy mạnh cải cách và không ngừng đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính là chìa khóa thành công, làm cho hệ thống chính quyền ngày càng phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Lãnh đạo chính quyền thành phố xem công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên…”.
Qua tổng kết 2 năm thực hiện cuộc vận động cải cách hành chính, đã có tổng cộng 899 thủ tục được thực hiện nhanh hơn với tổng số 392.649 hồ sơ giao dịch hành chính, ước tiết kiệm được cho công dân, tổ chức 312.063 ngày làm việc. Trong đó, liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị đã triển khai 147 thủ tục hành chính với tổng số 26.564 hồ sơ giao dịch hành chính, tiết kiệm chi phí thời gian cho doanh nghiệp ước tính 28.022 ngày làm việc. Đồng thời, triển khai 66 giải pháp thân thiện hơn liên quan đến doanh nghiệp. Chính những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính đã góp phần đưa Đà Nẵng thành địa phương đứng đầu cả nước trong 2 năm liên tiếp về PCI và nhiều chỉ số đánh giá khác như: chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin…
Thậm chí bí thư, chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng còn khẳng định thành công chính nhờ sự đồng thuận, ủng hộ chính quyền của người dân, doanh nghiệp. Để thay đổi bộ mặt của thành phố như ngày hôm nay đã có hàng trăm nghìn hộ dân phải di dời, giải tỏa, chuyển đến nơi ở mới để dành chỗ cho những công trình, dự án trọng điểm… Đà Nẵng như một đại công trường, việc giải tỏa, đền bù cho người dân về cơ bản được xử lý tốt, tuy nhiên không ít cán bộ, công chức còn thiếu trách nhiệm giải quyết sai sót, chậm trễ, đùn đẩy, kéo dài. Lãnh đạo thành phố khẳng định, cán bộ làm sai phải xin lỗi dân. Muốn giải quyết, chỉ cần đứng về phía người dân thì việc khó mấy cũng giải quyết được.