Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, dễ tiêu hủy, không sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng 1 lần |
UBND TP. Đà Nẵng vừa giao Sở Công Thương thành phố chủ trì triển khai các hoạt động, nhiệm vụ để thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030” trên địa bàn thành phố.
Chương trình với 4 nhóm nhiệm vụ chính gồm xây dựng và hoàn thiện chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng mạng lưới liên kết sản xuất, hợp tác sản xuất và tiêu dùng theo chuỗi vòng đời sản phẩm; xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung cấp về sản phẩm thân thiện môi trường; và xây dựng các tài liệu, tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, các mô hình thực hành tốt về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Với vai trò chủ đạo, ngành Công Thương TP. Đà Nẵng được giao thực hiện nghiên cứu đề xuất các chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, công nghiệp tái chế chất thải; hỗ trợ đầu tư sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế nhằm thúc đẩy sản xuất, phân phối và tiêu dùng cho các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay tế cho túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, áp dụng từ 1 – 2 mô hình về sản xuất sạch hơn, mô hình sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, các mô hình tái chế chất thải; phổ biến, triển khai các mô hình về chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, chuỗi cung ứng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nhân rộng các mô hình giảm thiểu, thu hồm, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải; các mô hình kinh tế tuần hoàn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng; xây dựng, phổ biến và nhân rộng mô hình cụm công nghiệp sinh thái và bền vững; áp dụng các giải pháp thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại các trung tâm thương mại và siêu thị, các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố; khuyến khích các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩn bao bì thân thiện môi trường; xây dựng và triển khai các hoạt động kết nối cung cầu quảng bá sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm được dán nhãn sinh thái trong các hộ chợ đa ngành và chuyên ngành; tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các tổ chức, doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan.
Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, năm 2019, TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ cải tạo và lắp đặt hệ thống cấp hơi nhiều đoạn trong dây chuyền sản xuất giấy tại Công ty TNHH Sức Trẻ giúp đơn vị sản xuất sạch hơn và lượng nhiên liệu giảm trung bình 1.080 tấn/năm, năng suất sản phẩm tăng hơn 1.307 tấn/năm. |
Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết với 4 nhóm nhiệm vụ chung và các nhiệm vụ cụ thể đối với ngành Công Thương, “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030” tại TP. Đà Nẵng sẽ được chia làm 2 giai đoạn triển khai gắn liền với các mục tiêu cụ thể.
Trong đó, trong giai đoạn 2021 – 2025, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng, hướng dẫn thực hiện các chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; các tiêu chuẩn về nguyên liệu, sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế; các chính sách thúc đẩy sản xuất phân phối và tiêu dùng cho các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng 1 lần, các quy định về mua sắm công xanh. Mục tiêu cụ thể sẽ giảm 5 – 8% mức tiêu hao nguyên vật liệu của các ngành sản xuất như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát, giấy và chế biến thủy hải sản; 80 % các khu cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tuyên truyền về tiêu dùng bền vững đến người dân thành phố; xây dựng và triển khai áp dụng 1 – 2 mô hình về sản xuất sạch hơn, mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững để phổ biến, nhân rộng trên địa bàn thành phố; 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường dần thay thế cho túi nilon và các sản phẩm bao bì nhựa dùng 1 lần, khó phân hủy; xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện với môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
Đến năm 2030, TP. Đà Nẵng sẽ hoàn thiện và thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm 7 – 10% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất; 100% các khu, cụm công nghiệp được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 100% siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho túi nilon và các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; phổ biến và nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã dần chuyển sang sử dụng các túi, bao bì đựng sản phẩm thân thiện với môi trường như MM Mega Market sử dụng thùng giấy carton chứa sản phẩm sau khi mua, Coopmart, Vinmart sử dụng túi nilon dễ phân hủy, một số siêu thị có sản phẩm “túi đi chợ” sử dụng nhiều lần.
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, ít tiêu hao năng lượng hơn cũng được Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại TP. Đà Nẵng triển khai tích cực với các đề án sản xuất sạch hơn cho các đơn vị sản xuất công nghiệp nặng như bao bì, xi măng….
29 doanh nghiệp tại KCN Hòa Khánh đã triển khai 228 giải pháp sản xuất sạch hơn giúp giảm chi phí sản xuất hơn 15 tỷ đồng/năm |
Ngoài ra, qua 4 năm triển khai, sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam ở Khu Công nghiệp Hòa Khánh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) thu hút 29 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp tham gia và triển khai áp dụng 228 giải pháp sản xuất sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp với tổng mức đầu tư gần 47 tỷ đồng, giúp cắt giảm mỗi năm trên 2.628.774kWh điện, 51.531m3 nước thải, 2.180 tấn than, trên 5.000 tấn CO2 và 2.793 tấn chất thải rắn; tiết kiệm trên 15 tỷ đồng chi phí/năm.