Đà Nẵng: Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ gặp khó
Đơn hàng giảm mạnh
Từ quý II/2023, lạm phát ở các nước EU, Mỹ tăng cao, sức mua tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam cũng theo đó giảm mạnh. Người tiêu dùng nói chung và tại các thị trường xuất khẩu nói riêng có xu hướng giảm mua sắm các mặt hàng không thiết yếu. Trong đó, có mặt hàng gỗ, thủ công mỹ nghệ. Kéo theo đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ tại TP. Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn khi đơn hàng tụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, hậu Covid – 19, sức mua trong nước cũng giảm; áp lực lãi suất vay khiến nhiều doanh nghiệp gỗ lao đao.
Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ tại Đà Nẵng đang "lao đao" khi đơn hàng giảm mạnh cùng nhiều khó khăn hậu Covid - 19 |
Ông Nguyễn Thanh Vân – Giám đốc Xí nghiệp chế biến lâm sản Hòa Nhơn (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), cho biết từ quý II/2023, đã có 3 nhà máy thuộc công ty Lâm đặc sản Quảng Nam phải tạm dừng hoạt động (Xí nghiệp Hòa Nhơn là một trong các nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam) do đơn hàng tụt giảm rất mạnh tới hơn 70%.
“Sức mua tại thị trường xuất khẩu giảm mạnh, vì vậy các đối tác truyền thống cũng giảm đơn hàng”, ông Vân nói và cho biết đây là thực trạng chung của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ hiện nay.
“Hiện nay đã chốt đơn hàng của mùa hàng mới, nhưng đơn chỉ bằng khoảng 30% mọi năm. Nếu tình hình có khởi sắc thì cũng chỉ tăng không đáng kể lượng đơn. Các xí nghiệp của công ty cũng mới khởi động lại, tuy nhiên, số lao động làm việc cũng cầm chừng. Mùa hàng 2023 – 2024 dự báo sẽ rất khó khăn”, ông Vân thông tin.
Ông Nguyễn Đức Huy - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản TP. Đà Nẵng cho biết, Hiệp hội có hơn 50 thành viên là đơn vị chế biến, xuất khẩu gỗ của tỉnh Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam xuất khẩu chính sang thị trường Mỹ, EU. Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, lạm phát tại nhiều quốc gia xuất khẩu, thị trường giảm sút rõ rệt, các công ty chế biến, xuất khẩu gỗ cũng chật vật để duy trì hoạt động, đã có rất nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất. Theo đánh giá, tình hình khó khăn này còn kéo dài đến hết năm 2023 và sang năm 2024.
TP. Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị các Sở ngành hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ, tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn các chính sách này cần cụ thể hơn và sớm đi vào thực tiễn |
Mong các hỗ trợ thiết thực và đi vào thực tiễn
Triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản gỗ phục vụ xuất khẩu, hồi giữa tháng 8/2023, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu Sở Công Thương thành phố tập trung hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp gỗ mở rộng thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nâng cao năng lực sản xuất; tổ chức các đoàn doanh nghiệp gỗ tham gia các gian hàng chuyên về ngành hàng gỗ tại các hội chợ trong nước, quốc tế… để doanh nghiệp có nhiều hơn các cơ hội tìm kiếm đối tác mới, kí kết đơn hàng.
Đề nghị Cục Thuế thành phố phối hợp với các sở, ngành đơn vị liên quan triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất,... theo quy định; Công an thành phố rà soát, hướng dẫn các quy định về phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ và các sản phẩm từ gỗ; xem xét, nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy theo quy định, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng điều hành tín dụng chủ động, hiệu quả, phù hợp để cung cấp vốn tín dụng; có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay, giãn nợ, khuyến khích cho vay lãi suất thấp,... nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ trên địa bàn thành phố; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản, đây là các chủ trương rất kịp thời trong bối cảnh doanh nghiệp “khó chồng khó”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng mong muốn, chờ đợi và rất cần các chính sách này cụ thể, đi vào thực tiễn.
Ông Nguyễn Thanh Vân cho biết, hiện nay doanh nghiệp đã cần hỗ trợ nhất là tiếp cận vốn vay lãi suất ưu đãi. Chúng tôi mong muốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng mang tính thực chất, bên cạnh đó là các chính sách thuế.
Hồi giữa tháng 8/2023, Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại Đà Nẵng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Đà Nẵng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu; tăng cường cung cấp thông tin thị trường và nhu cầu - xuất nhập khẩu của thị trường cho Hiệp hội. (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, theo đại diện nhiều doanh nghiệp khó khăn lớn của doanh nghiệp chế biến gỗ hiện nay đó là các quy định về phòng cháy chữa cháy.
“Chúng tôi mới bị phạt vì không đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy hiện hành”, đại diện một đơn vị chế biến, xuất khẩu gỗ nói và giải thích thêm: “Khi chúng tôi xây dựng nhà xưởng đã đáp ứng các quy định theo tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy hiện hành khi đó. Nhưng hiện tại khi có quy định phòng cháy chữa cháy mới, hầu như không đơn vị nào đáp ứng được nên bị phạt”. Theo đại diện doanh nghiệp này, quy định phòng cháy chữa cháy mới rất ngặt nghèo, chi phí đầu tư lớn là một khó khăn nhưng khó khăn lớn hơn đó là phải thay đổi kết cấu nhà xưởng và nhiều yếu tố khác.
Một doanh nghiệp khác cho biết, doanh nghiệp đã chồng chất khó khăn, đơn hàng giảm, phải nhìn người lao động nghỉ việc không lương, bây giờ lại thêm các quy định mới phòng cháy, chữa cháy. Biết là quy định mới cũng để đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp, nhưng trong giai đoạn này thực sự là thêm khó cho đơn vị.
Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản TP. Đà Nẵng kiến nghị: Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ mong muốn thành phố sẽ có chính sách giảm tiền thuê đất, giãn hoặc giảm phí sử dụng hạ tầng sang năm 2024. Đồng thời, mong muốn Bộ Công Thương, các tham tán thương mại sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ tiếp cận các thị trường mới như Australia, Đông Âu và các thị trường khác.