Đà Nẵng: Xử phạt 318 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng TP Hồ Chí Minh: Nhiều mặt hàng được “chỉ tên” kiểm tra an toàn thực phẩm trước Tết Nguyên đán 2024 |
Kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, chế biến, bảo quản và lưu thông
Có mặt tại cửa hàng tiện lợi Winmart 488 Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) chiều 18/1, Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm số 1 TP. Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra hồ sơ pháp lý thủ tục liên quan đến các mặt hàng thực phẩm tại đơn vị; kiểm tra trực tiếp các sản phẩm thực phẩm cũng như kiểm tra đối chiếu hồ sơ tự công bố; kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các thực phẩm.
TP. Đà Nẵng lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 |
Trong đó, tiến hành kiểm tra kỹ khâu nhập và khu vực lưu trữ, bảo quản thực phẩm; kiểm tra hỗ sơ truy xuất nguồn gốc theo chuỗi của một số loại rau xanh tại cửa hàng, quét mã QR Code truy xuất nguồn gốc và kiểm tra thông tin bên thứ 3 (bên chứng nhận) của sản phẩm.
Quét mã QR Code để truy xuất nguồn gốc rau xanh theo chuỗi tại cửa hàng tiện lợi Winmart |
Cũng trong ngày, đoàn đã đến kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại siêu thị Coopmart Đà Nẵng. Đặc thù là một siêu thị tổng hợp, đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên một số sản phẩm. Tại khu vực chế biến thực phẩm (bánh mì), đoàn đã kiểm tra tất cả các nguyên liệu, phụ gia, kho bảo quản (gồm kho mát, kho lạnh), quy trình sản xuất bánh (gồm trang thiết bị sản xuất, tuân thủ quy định bảo hộ lao động trong an toàn thực phẩm…).
Kiểm tra kỹ các nguyên liệu, phụ gia và kho bảo quản để chế biến thực phẩm (bánh mì) |
Ông Phan Thống – Giám đốc siêu thị Coopmart Đà Nẵng cho biết, việc tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm luôn là vấn đề ưu tiên và duy trì thường xuyên, liên tục tại siêu thị. Các mặt hàng thực phẩm trước khi vào siêu thị đều đã được siêu thị kiểm tra về hồ sơ thủ tục của sản phẩm (như giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm; các chứng nhận VietGap/Global Gap/ISO/HACCP…), đại diện siêu thị cũng xuống tận cơ sở để kiểm tra quy trình sản xuất sản phẩm; hàng hóa sau khi được cấp phép vào siêu thị sẽ nhập về trung tâm phân phối, tại đây, thực phẩm sẽ được lấy mẫu kiểm tra xác suất theo định kỳ; hàng hóa về đến siêu thị sẽ kiểm tra thêm một lần nữa một cách ngẫu nhiên (có thể test nhanh tại chỗ hoặc gửi mẫu lên cơ quan chức năng kiểm tra). Nếu sản phẩm không đạt thì siêu thị trước hết sẽ ngưng kinh doanh để nhà cung cấp kiểm tra, giải trình quy trình sản xuất; khi khắc phục xong, siêu thị kiểm tra lại nếu đảm bảo mới nhập hàng lại.
Kiểm tra các kho lạnh, kho mát bảo quản thực phẩm tại siêu thị Coopmart Đà Nẵng |
“Đặc biệt trong dịp cao điểm như Tết Nguyên đán tần suất kiểm tra thực phẩm ngẫu nhiên sẽ tăng gấp 2 – 3 lần so với ngày thường, nhất là những ngày giáp Tết (từ khoảng 23 – 30 tháng Chạp)”, ông Thống cho hay.
Kiểm tra kết hợp tuyên truyền tuân thủ quy định đảm bảo an toàn thực phẩm
Ông Nguyễn Duy Trinh – Phó Trưởng đoàn kiểm tra Đội Quản lý An toàn thực phẩm số 1 (Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đoàn sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở lớn có liên quan đến thực phẩm trên địa bàn các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn; chủ yếu là các cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã kinh doanh các thực phẩm theo chuỗi sâu (có tem QR Code, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khi trồng đến khi lên kệ siêu thị) |
Nội dung kiểm tra tập trung vào hồ sơ pháp lý, giấy phép kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy khám sức khỏe, kiến thức an toàn thực phẩm của nhân viên và chủ cơ sở; kiểm tra hồ sơ tự công bố đối với các thực phẩm qua chế biến, bao gói sẵn; kiểm tra nhãn mác hàng hóa, hạn sử dụng; điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất (khu chế biến, kho bảo quản, dụng cụ sơ chế/chế biến); lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. “Qua kiểm tra, về cơ bản các cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi có kinh doanh sản phẩm có xác nhận chuỗi, đảm bảo an toàn thực phẩm; một số sản phẩm như thịt, trứng cho sử dụng truy xuất nguồn gốc theo chiều sâu qua mã QR code”, ông Trinh thông tin.
Kiểm tra việc đóng gói, bảo quản thịt tươi sống |
Cũng theo ông Trinh, hiện các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết rất đa dạng, phong phú để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân. Vì vậy, người tiêu dùng khi mua sắm thực phẩm Tết nên lựa chọn những sản phẩm có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo an toàn thực phẩm, có thể lựa chọn mua ở các điểm bán uy tín như cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại.
Ngoài công tác thanh tra, kiểm tra, đoàn kiểm tra cũng lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho các chủ cơ sở duy trì tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn, đồng thời, đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, từ ngày 25/12/2023 – 22/2/2024, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng sẽ lập các đoàn kiểm tra, thanh tra để kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên toàn thành phố.
Hoạt động kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ được thực hiện liên tục đến 22/2/2024 |
Trong đó, đối với cấp thành phố thành lập 3 đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 215 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán (cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại).
Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán và trong các Lễ hội như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài 3 đoàn kiểm tra cấp thành phố, các quận, huyện cũng sẽ lập đoàn liên ngành để kiểm tra các cơ sở trên địa bàn theo phân cấp quản lý.