Đà Nẵng: Thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo, thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng: Sẽ có nhà máy linh kiện hàng không với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD |
Sáng 26/1, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC).
Trung tâm DSAC có bộ máy tinh gọn gồm Ban Giám đốc và 2 phòng chuyên môn với 3 chức năng chính là đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Trong giai đoạn 2024-2025, DSAC tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu tổ chức hoạt động, đề án vị trí việc làm, củng cố kiện toàn bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất cho DSAC; đề xuất dự thảo cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng; triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp.
DSAC được xem là trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo đầu tiên của cả nước. |
Phát biểu tại lễ công bố thành lập DSAC, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, việc khẩn trương hình thành hệ thống các chính sách đi cùng và bộ máy chuyên trách để tận dụng được các cơ hội lớn trong phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo mở ra trong bối cảnh hiện nay được lãnh đạo thành phố xác định như là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài đối với TP. Đà Nẵng.
Để Trung tâm DSAC phát triển, ông Chinh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn DSAC nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu tổ chức hoạt động, đề án vị trí việc làm, củng cố kiện toàn bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất cho DSAC trong tháng 2/2024. Đồng thời, xây dựng lộ trình đầu tư Khu công viên phần mềm số 2, phấn đấu đưa vào sử dụng trong quý 2/2024; đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ cho DSAC đáp ứng yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu thiết kê vi mạch và trí tuệ nhân tạo.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu, khẩn trương tham mưu thành phố dự thảo cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo TP. Đà Nẵng như: Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng”, Nghị quyết của HĐND thành phố về các cơ chế chính sách cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về Đà Nẵng làm việc; nội dung chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng trong Nghị quyết Quốc hội về cơ chế đặc thù TP. Đà Nẵng. Trung tâm DSAC cũng cần chủ động, phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Intell triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo giảng viên trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo trong năm 2024. Từ đó, làm tiền đề để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn của các tập đoàn quốc tế về thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.
Từ năm 2025 trở đi, DSAC cần xây dựng lộ trình hợp tác với các đối tác lớn để triển khai bồi dưỡng các lớp chuyên sâu công nghệ lõi để từng bước hình thành nên các doanh nghiệp start-ups, spin-off trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. "Về hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ thu hút đầu tư, Trung tâm DSAC cần phát huy vai trò hỗ trợ tích cực cho công tác xúc tiến đầu tư thành phố, thu hút các tập đoàn lớn đến đầu tư, từng bước tạo dựng hệ sinh thái đồng bộ và phát triển về vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của thành phố", ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã công bố Quyết định bổ nhiệm ông Lê Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng làm Giám đốc Trung tâm DSAC.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm DSAC. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đặc thù của Việt Nam hiện là nước duy nhất trên thế giới có mối quan hệ chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc bán dẫn và Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo chiến lược quốc gia phát triển vi mạch bán dẫn dự kiến trình Chính phủ phê duyệt trong quý 1/2024.
Trong đó, 3 khâu quan trọng trong công nghiệp bán dẫn gồm thiết kế, sản xuất, lắp ráp kiểm tra đóng gói. Việt Nam xác định chiến lược phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp về thiết kế và nhân lực thiết kế. Chế tạo và sản xuất các module là các linh kiện, thu hút FDI liên doanh với doanh nghiệp Việt lắp ráp kiểm tra và đóng gói; xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở phân khúc dưới - là thành phần tạo nên các thiết bị điện thoại thông minh, xe điện…
Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông |
Về nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn, mục tiêu đặt ra đến năm 2030 Việt Nam có khoảng 50.000 kỹ sư thiết kế chip, 200.000 kỹ sư điện tử về bán dẫn, 500.000 công nhân làm việc trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Việt Nam lựa chọn 5 cơ sở đào tạo làm cơ sở đào tạo trọng điểm về nhân lực bản dẫn, bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học FPT, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm, mục tiêu phát triển mạng lưới trung tâm nghiên cứu, chế tạo bán dẫn quốc gia gồm 3 trung tâm quốc gia đặt tại Hà Nội – Đà Nẵng – TP. HCM cố gắng đưa vào hoạt động sớm nhất năm 2025. "Có thể nói, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên thành lập trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Với những quyết tâm hành động cụ thể của Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng địa phương đồng hành phát triển ngành công nghiệp hấp dẫn này...", ông Dũng nói.