Theo đó, sáng 25/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 (gọi tắt là Nghị quyết số 43) của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Sáng 25/5 Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn |
Theo báo cáo của Đoàn giám sát, sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 43, Việt Nam đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số nội dung của Nghị quyết chưa đạt kỳ vọng như mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trước những kết quả đạt được mà Nghị quyết 43 mang lại, một số đại biểu đã đề xuất, đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43.
Đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết, trong 2 năm thực hiện, đã có 21 văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành, góp phần quan trọng thực hiện cơ bản hoàn thành 5 quan điểm, 3 mục tiêu của Nghị quyết số 43, phần lớn các chính sách được thực hiện khá thành công, giúp tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, làm giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh. Ảnh: quochoi.vn |
"Mặc dù triển khai quyết liệt, nhưng một số chính sách có kết quả thực hiện thấp, số liệu đánh giá tình hình thực hiện các chính sách cụ thể cho thấy, có 7 chính sách có chỉ tiêu định lượng đề ra theo Nghị quyết số 43 triển khai thực hiện không đạt kế hoạch đề ra" - đại biểu Trần Quốc Tuấn khẳng định, đồng thời đại biểu cũng đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 43 như Dự thảo trình Quốc hội, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội để đưa các dự án hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư vốn.
Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khẳng định, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 là đúng đắn, kịp thời với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cổ vũ tinh thần của người dân và doanh nghiệp, bổ sung nguồn lực lớn của ngân sách nhà nước và nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, phát triển.
“Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, đã đưa nước ta mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường… Điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết số 43 là nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp, tập trung được nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông" - đại biểu Mai Văn Hải cho hay.
Đại biểu Mai Văn Hải góp ý tại hội trường sáng 25/5. Ảnh:quochoi.vn |
Qua xem xét các báo cáo và tình hình thực tiễn, đại biểu Mai Văn Hải nhận thấy, quá trình tổ chức thực hiện bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số địa phương chưa áp dụng cơ chế đặc thù trong đầu tư hạ tầng y tế; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn chậm; tiến độ giải ngân một số dự án không bảo đảm theo thời gian của Nghị quyết dù đã được cho phép kéo dài; một số chính sách thực hiện không đạt mục tiêu đề ra. Đến hết năm 2023 còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa phục hồi, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể…
Theo đại biểu Mai Văn Hải, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt. Các văn bản hướng dẫn phân bổ vốn, trình tự thủ tục giải ngân còn phức tạp. Việc áp dụng cơ chế đặc thù có việc còn vướng mắc và không ít cán bộ có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Từ những phân tích trên, đại biểu Mai Văn Hải đề xuất một số vấn đề trong đó đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thêm thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp. Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét tiếp tục mở rộng áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù không chỉ áp dụng cho các công trình quan trọng quốc gia, đường cao tốc mà cả các công trình quan trọng khác của quốc gia, của tỉnh.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng, việc ban hành Nghị quyết số 43 hết sức kịp thời, hợp lòng dân. Các chính sách đưa ra trong Nghị quyết có tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bổ sung nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện chính sách an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế.
Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình. Ảnh:quochoi.vn |
Từ thực tiễn ở địa phương nghiên cứu báo cáo Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc đã kiến nghị Quốc hội xem xét kéo dài việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và chương trình cho vay để mua, thuê mua nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội do những hiệu quả mà chính sách mang lại thời gian qua.
"Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Quốc hội và có các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế…" - đại biểu Ngọc nêu ý kiến.