Khó do các quy định mang tính thủ tục
Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) được kỳ vọng tăng thêm đầu tư vào phục hồi kinh tế, gồm các dự án như dự án giao thông, dự án trọng điểm và các chương trình hỗ trợ lãi suất cho các lĩnh vực cần ưu tiên phục hồi.
Đền hết năm 2023, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ giải ngân đạt 3,05% quy mô gói (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã tổng kết tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm (tối đa 40.000 tỉ đồng) từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống các ngân hàng (NH) thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh...
Theo đó, đến hết năm 2023, gói này chỉ giải ngân được khoảng 1.218 tỉ đồng cho gần 2.300 khách hàng, tương đương khoảng 3,05% quy mô gói. Như vậy, còn khoảng 38.782 tỉ đồng không sử dụng hết.
Chia sẻ với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội vào sáng ngày 21/5 vừa qua, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường- Đoàn TP. Hà Nội cho rằng, nhiều dự án thuộc các lĩnh vực khác không thuộc các lĩnh vực trọng điểm, ví dụ các lĩnh vực y tế, giáo dục, đầu tư mua sắm… vẫn còn vướng các thủ tục hành chính. Chính vì vậy, đến thời điểm thực hiện chương trình giám sát thì nhiều nguồn vốn hầu như chưa được giải ngân, mới nằm trong giai đoạn thẩm tra các dự án để hoàn thiện các thủ tục và khi hoàn thành thủ tục mới giải ngân được.
"Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta cần phải xem những quy định mang tính thủ tục cho việc triển khai các dự án đầu tư còn kéo dài.'- Đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Theo đại biểu, những vướng mắc chủ yếu của các dự án mua sắm, đầu tư cho y tế, giáo dục, bởi nhiều yếu tố như định mức về kinh tế kỹ thuật, đơn giá về các trang bị chưa có quy định cụ thể, trong khi chưa trao quyền quyết định cho những cơ quan đầu tư đó. Chính vì vậy, việc đưa đến phương án lại đẩy trách nhiệm hỏi các cơ quan, bộ, ngành, kéo thời gian rất dài.
Đặc biệt, gói hỗ trợ lãi suất 2% là kỳ vọng rất lớn của Nghị quyết 43, mong muốn với hỗ trợ 40.000 tỷ đồng có khoảng 2 triệu tỷ đồng tín dụng sẽ được đưa vào nền kinh tế để phục hồi. Tuy nhiên, kết quả thực hiện rất thấp, hầu như không đáng kể.
"Rõ ràng gói hỗ trợ 2% là không khả thi thì đương nhiên chúng ta phải thay đổi, không nên tiếp tục giữ nữa mà nên hỗ trợ những chương trình đã hỗ trợ có hiệu quả. Chúng ta đang có dư địa khá tốt về tài khóa, do đó, nên tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa ngược, thông qua việc tiếp tục duy trì giảm các khoản thuế, các nghĩa vụ đóng góp hoặc thậm chí phải giảm một số khoản đóng góp cho các đối tượng đang khó khăn."- đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cần chuyển gói 40.000 tỷ sang hỗ trợ theo các mục tiêu rõ ràng. Điển hình như trước đây có những gói hỗ trợ như cho vay để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Gói hỗ trợ này được ngân hàng hoàn thành rất sớm, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay, có rất nhiều các ngành, các lĩnh vực cần phải tiếp tục hỗ trợ như: Hỗ trợ cho nhà thu nhập thấp, hỗ trợ cho các chương trình chuyển đổi, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và các chương trình để tiếp cận, thu hút các nhà đầu tư mới như đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, chuẩn bị các yếu tố để đón nhận được các nhà đầu tư về ngành công nghiệp bán dẫn… Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đó là những chương trình chúng ta cần phải có hoặc chính sách hỗ trợ thực sự là ưu đãi của Chính phủ.
Đại biểu cũng chỉ ra các chính sách mang tính thủ tục là “rào cản” doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, bởi gói hỗ trợ kèm theo điều kiện doanh nghiệp phải có khả năng phục hồi. Trong khi đó, qua giai đoạn dịch COVID-19, nhiều khó khăn của doanh nghiệp và khả năng phục hồi trong ngắn hạn chưa thể nhìn rõ, đặc biệt những doanh nghiệp còn vướng vào những vốn vay cũ chưa được hoàn trả. Chính vì vậy, điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay này cũng không cao. Hơn nữa, chỉ mức lãi suất hỗ trợ 2% nhưng những thủ tục thanh kiểm tra, hậu quá trình giải ngân thì doanh nghiệp cũng e ngại nên cả điều kiện tiếp cận và nhu cầu tiếp cận cũng hạn chế dẫn đến kết quả rất thấp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường trả lời phóng viên bên lề hành lang Quốc hội (Ảnh: Thu Hường) |
"Chúng ta đưa ra một chương trình hỗ trợ nhưng chúng ta lại đưa ra một số những quy định ràng buộc quá chặt chẽ và không khả thi, dẫn đến hiệu quả thực hiện chính sách không cao."- vị đại biểu đoàn Hà Nội cho hay.
Ông Cường lấy dẫn chứng, như gói 120.000 tỷ, đối tượng phải là các dự án đầu tư nhà ở thu nhập thấp và nhà ở xã hội. Thế nhưng trong thời gian vừa qua, hầu như các dự án chưa đủ các điều kiện để triển khai đầu tư thì đương nhiên chủ đầu tư không thể vay được nguồn tiền này.
Cùng với đó, mức lãi suất ưu đãi hơn 8%, mức này không hẳn là ưu đãi, nhất là trong bối cảnh hiện nay, lãi suất ngân hàng nói chung đang giảm khá thấp và thời gian vay thì không phải dài, nên cũng chưa thật sự hấp dẫn.
Chính sách phải kèm mục tiêu và các tiêu chí đo lường
Tham gia vào quá trình giám sát của Nghị quyết 43, ông Hoàng Văn Cường cho hay, mặc dù đã có những cơ chế đặc thù để cho phép thực hiện chương trình hỗ trợ này được nhanh nhất, hiệu quả nhất đến với các ngành, lĩnh vực cần phải phục hồi. Tuy nhiên, quá trình vận dụng những cơ chế đặc thù đó hoặc những cơ chế chính sách sẵn có cho triển khai dự án, đôi khi vẫn còn rụt rè, chưa quyết liệt, cũng có biểu hiện chưa dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ dám làm. Cho nên, có nhiều dự án chậm là chính.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phải thay đổi trong việc ban hành cơ chế, chính sách, không nên đưa ra chính sách kèm theo các điều kiện ràng buộc quá cụ thể, đôi khi sẽ không phù hợp với thực tiễn.
"Quan trọng nhất khi đưa ra chính sách phải đưa ra mục tiêu, các tiêu chí đo lường. Còn quá trình triển khai thực hiện thì nên giao cho các cơ quan thực thi để các cơ quan này đưa ra các phương thức thực hiện. Tuy nhiên, kèm theo đó là yêu cầu phải thực hiện cơ chế giải trình công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm về quyền quyết định của họ. Quan trọng nhất của cái đo lường là kết quả đầu ra có đạt được mục tiêu của chính sách hay không."- ông Cường góp ý.
Theo chương trình, sáng ngày 25/5/2024, Quốc hội sẽ nghe báo cáo và thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”. |