Đại biểu Hoàng Văn Cường: Quy định không phù hợp, địa phương chờ cơ chế đặc thù
Sáng ngày 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Dự án có cơ chế đặc thù thì triển khai nhanh
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã bày tỏ đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát đã đánh giá rất đầy đủ, toàn diện những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đã chỉ ra trách nhiệm và đề xuất những kiến nghị rất cụ thể những việc cần thực hiện sau giám sát.
Toàn cảnh các đại biểu thảo luận tại hội trường ngày 25/5. Ảnh:quochoi.vn |
Qua giám sát, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận thấy, các chương trình, dự án có các cơ chế, chính sách đặc thù kèm theo đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, giúp dự án triển khai nhanh như các dự án quan trọng quốc gia được chỉ định thầu, được khai thác mỏ vật liệu xây dựng không cần xin phép nên mặc dù các dự án này có tổng mức đầu tư lớn, có nhiều vướng mắc cố hữu như là giải phóng mặt bằng nhưng tất cả dự án này hầu hết được triển khai rất nhanh, trong khi đó nhiều dự án không phải giải phóng mặt bằng nhưng vì không có cơ chế đặc thù nên lại triển khai chậm, thậm chí nhiều dự án phải bỏ không thực hiện được, nhiều đơn vị phải trả lại tiền vốn, mặc dù rằng những đơn vị này rất cần những dự án như thế.
“Như vậy, dù dự án có phức tạp đến bao nhiêu, nếu như có được cơ chế đặc thù được phép bỏ qua những quy định không cần thiết, được làm theo những phương thức phù hợp với thực tế thì dù khó mấy vẫn thực hiện được, trong khi nếu dự án có cần đến mấy nhưng cứ phải tuân thủ các quy định hiện hành thì chưa chắc đã thực hiện được”- đại biểu Cường nhấn mạnh.
Theo đại biểu, những vấn đề đang triển khai thực tế của các dự án có nhiều việc cần phải được thực hiện cho phù hợp với thực tế để có hiệu quả tốt hơn, nhưng hiện nay chưa ghi vào trong cơ chế đặc thù nên là nhiều dự án đang phải dừng lại để chờ đợi.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đã lấy ví dụ Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột: “Để làm đường thì người ta phải bóc bỏ lớp đất canh tác ở trên bề mặt. Nếu đất này được dùng để hoàn thổ vào mỏ vật liệu xây dựng thì sẽ trở thành một diện tích canh tác rất tốt. Tuy nhiên lại không được thực hiện như thế mà vẫn phải tập trung về khu vực mỏ vật liệu xây dựng và điều này là một điều rất phi lý”.
Đối với dự án đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, tất cả những khâu khó khăn nhất như giải phóng mặt bằng đều đã được giải quyết rất nhanh, việc triển khai làm đường gom đường song hành về cơ bản đã hoàn thành trước thời hạn một năm.
Tuy nhiên công trình chính là làm đường cao tốc lại chưa thể triển khai đấu thầu được vì phải thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu trong nước, trong khi nguồn vốn trong nước đang rất hạn chế, muốn kêu gọi các nhà đầu tư có yếu tố nước ngoài thì phải có điều kiện bắt buộc sử dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý quốc tế.
Dự án đường Vành đai 4 không yêu cầu gì đặc biệt về công nghệ, kỹ thuật quốc tế và đây cũng không phải là dự án có ảnh hưởng gì đến vấn đề an ninh quốc phòng. Điều kiện quan trọng nhất ở đây là dự án này cần phải kêu gọi được những nhà thầu có đủ năng lực tài chính lớn để triển khai.
Theo đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần phải bổ sung vào nghị quyết giám sát đối với đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, cho phép các nhà đầu tư trong nước được liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhà đầu tư trong nước sẽ là đơn vị đứng đầu liên doanh.
Quốc hội cần có Nghị quyết cho phép cán bộ vận dụng, linh hoạt trong thực thi nhiệm vụ
Đại biểu cũng khẳng định, thực tế cho thấy có rất nhiều quy định không phù hợp với thực tế. Mọi người đều thấy cần phải làm khác đi so với quy định mới phù hợp với thực tế và mới có hiệu quả, nhưng trên thực tế khi thi hành công vụ thì người thi hành vẫn phải tuân thủ theo quy định và thực thi những việc làm không phù hợp, thậm chí nhiều người không dám làm, phải đùn đẩy trách nhiệm lên trên.
Đại biểu Hoàng Văn Cường góp ý tại hội trường. Ảnh:quochoi.vn |
Điều này có thể dẫn đến việc các địa phương chờ đợi xin các cơ chế đặc thù để giải quyết. Trong thời gian vừa qua, hầu như kỳ họp nào Quốc hội cũng xem xét, thông qua những nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù. Ngay trong kỳ họp này, đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây cũng đề xuất cơ chế đặc thù, như tỉnh Nghệ An và Đà Nẵng cũng xin cơ chế đặc thù.
“Tôi tin rằng, các địa phương, các ngành, lĩnh vực sẽ tiếp tục xin các cơ chế đặc thù trong các kỳ họp tới”- đại biểu khẳng định.
Để khắc phục tình trạng cán bộ xơ cứng, không dám hành động vì sợ sai như hiện nay, đồng thời khuyến khích cán bộ thực thi công vụ năng động, sáng tạo, đại biểu đề nghị Quốc hội cần có một nghị quyết cho phép khi thực thi công vụ được phép vận dụng các quy định của pháp luật hoặc lựa chọn các quy định của pháp luật phù hợp nhất, linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với đối tượng, điều kiện, hoàn cảnh thực tế.