Đại biểu Quốc hội: "Nhiều vụ tham nhũng đất đai xuất phát từ cơ chế định giá đất"
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 3/11, đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội đánh giá cao việc sửa đổi Luật Đất đai lần này, cho đây là bước ngoặt đột phá về tư duy quản lý, chuyển từ tư tưởng quản lý dùng biện pháp hành chính sang sử dụng công cụ thị trường, điển hình nhất là vấn đề khung giá đất.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội |
Đại biểu Cường cho biết, trước đây khung giá đất do Nhà nước áp đặt theo ý chỉ chủ quan. Dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất và xây dựng bảng giá sát với giá thị trường, và đây là tư duy rất căn bản và là cái gốc để giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, bảo đảm sự bình đẳng và lợi ích của người dân. Điều này nếu thực hiện được sẽ xoá bỏ phần lớn bất cập trong công tác quản lý đất đai hiện nay.
"Nhiều vụ tham nhũng đất đai xuất phát từ cơ chế định giá đất. Nếu có bảng giá đất sát giá trị thị trường, đồng thời đền bù thoả đáng cho người dân bị thu hồi đất sẽ giảm khiếu kiện" - ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Về thu hồi đất, đại biểu Cường nêu rõ, từ trước đến nay có 2 phương thức thu hồi: Nhà nước đứng ra để ra quyết định thu hồi và chủ doanh nghiệp có dự án tự thoả thuận với người dân để thu gom đất, tự chuyển thành đất của mình và Nhà nước ra quyết định công nhận việc đó.
Đại biểu cho rằng, khi để người dân và nhà đầu tư tự thoả thuận sẽ phát sinh vấn đề, đó là giá cao vọt hơn hẳn so với khi Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng an ninh, nên xảy ra bất bình đẳng gây khiếu kiện.
Trong khi đó, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước là đại diện thực hiện quyền quản lý. Khi giao chủ đầu tư thu hồi thì Nhà nước đã tự bỏ quyền của mình. Do vậy, đại biểu Cường đề nghị đất đai đã thuộc diện Nhà nước quyết định có dự án đầu tư thì cần do Nhà nước thu hồi, chỉ thoả thuận trong trường hợp khi một số người cùng góp chung vốn hoặc tự chuyển dịch.
Về tài chính đất đai, đại biểu Cường đồng tình với quy định giá đất phải phù hợp với giá trị thị trường và dùng công cụ kỹ thuật định giá để định ra giá trị thị trường. Trong đó, 3 cơ quan gồm cơ quan định giá (tổ chức tư vấn định giá), cơ quan thẩm định giá (Hội đồng thẩm định giá) và cơ quan quyết định giá (Ủy ban nhân dân) phải hoạt động độc lập với nhau.
Tuy nhiên, đại biểu Cường cho rằng, quy định về vai trò của Hội đồng thẩm định giá trong dự thảo Luật còn chưa rõ, đó là việc họ có thể thuê cơ quan chuyên môn để định giá. Theo đại biểu, cần quy định Hội đồng thẩm định chỉ xem xét giá do cơ quan định giá đưa ra đã phù hợp chưa, có bảo đảm nguyên tắc hay không, và nên được công nhận như thế nào.
Ngoài các nội dung trên, để bảo đảm công khai, dự thảo Luật đưa ra các phương thức giao đất là đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư.
Đại biểu đề nghị cần có chính sách thuế phù hợp để điều tiết giá trị gia tăng của đất, điều tiết hành vi đầu cơ đất đai và điều tiết hành vi để đất không sử dụng. Đây là nguyên tắc, cơ sở để làm căn cứ xây dựng Luật Thuế sử dụng đất sau này.
Liên quan hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, dự thảo Luật quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
“Đây là con số cảm tính, thiếu căn cứ. Không nên quy định hạn mức chuyển nhượng, nên giao đất trong hạn điền, người dùng nhiều hơn thì cho thuê đất, khi đó sẽ hạn chế được chuyện đầu cơ đất đai” - đại biểu Cường nhận định.