Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội Phát triển Chợ Việt Nam
Tham dự đại hội có ông Đào Xuân Cần - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương và đại diện nhiều bộ, ngành khác.
|
Đại hội Hiệp hội Phát triển Chợ Việt Nam lần thứ I |
Theo ông Dương Văn Chiến - thành viên Ban Vận động thành lập hiệp hội, chợ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng như của cả nước. Chợ là nơi lưu thông, cung cấp hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân đồng thời tạo công ăn việc làm, gia tăng cơ hội sinh kế, tạo nguồn thu cho ngân sách. Chợ cũng là nơi giao lưu bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, chợ trên cả nước đang phát triển khá tự phát, vấn đề vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ không được đảm bảo.
Do đó, Hiệp hội Phát triển Chợ Việt Nam ra đời với nhiệm vụ tuyên truyền, phản ánh, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh chợ, tiểu thương tới các cơ quan quản lý nhà nước nhằm góp một phần sức mạnh cho sự phát triển bền vững chợ.
Tại đại hội, bên cạnh điều lệ hoạt động, các hội viên cũng đã thông qua phương hướng hoạt động của hiệp hội nhiệm kỳ thứ I, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, về công tác thông tin tuyên truyền, hiệp hội tập trung vào nội dung phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển chợ; tuyên truyền về gương người tốt việc tốt, doanh nghiệp, hợp tác xã… Hiệp hội cũng tập trung phát triển thành viên, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có hội viên; tư vấn đầu tư, xây dựng, sở hữu, kinh doanh chợ, tư vấn pháp luật hỗ trợ hội viên…
Phát biểu tại đại hội, bà Lê Việt Nga cho biết: Tính đến ngày 31/12/2015 Việt Nam có 8.660 chợ, trong đó có 61 chợ đầu mối, 284 chợ hạng 1, 954 chợ hạng 2…Phương thức chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng đạt nhiều kết quả khả quan, cả nước hiện có 312 hợp tác xã và 309 doanh nghiệp quản lý chợ. Tỷ trọng hàng hóa lưu thông qua chợ chiếm hơn 40%, riêng mặt hàng thực phẩm hàng hóa lưu thông qua chợ chiếm 70%. Nhiều dự án chợ cũng nhận được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương để xây dựng mới, cải tạo nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, công tác quản lý, phát triển chợ thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, cơ sở vật chất của đại đa số các chợ của Việt Nam còn yếu kém, lạc hậu, chợ hạng 3 vẫn chiếm 86% tổng số chợ. Công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm…
"Việc thành lập hiệp hội đại diện cho các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh chợ trên cả nước nhằm mục đích tập hợp hội viên bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của thành viên và hỗ trợ hoạt động có hiệu quả là rất cần thiết. Bộ Công Thương ủng hộ cho việc thành lập hiệp hội nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các chợ", bà Lê Việt Nga khẳng định.