Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ diễn ra từ ngày 11-13/10
Chiều ngày 6/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về Đại hội lần thứ XVII, Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn chủ trì họp báo.
Toàn cảnh họp báo |
Thông tin về Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học cho biết, chủ đề Đại hội là: "Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại".
Để chuẩn bị Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thành công đại hội các chi bộ, đảng bộ; các tổ chức cơ sở đảng và 50 đảng bộ trực thuộc Thành ủy, hoàn thành vào ngày 18/8/2020. Công tác xây dựng văn kiện và chuẩn bị nhân sự được Thành ủy Hà Nội triển khai chủ động, tích cực, chặt chẽ, đúng quy trình. Theo đó, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đã tiếp thu hàng nghìn lượt ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, văn nghệ sỹ trí thức, doanh nhân, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Các bước quy trình giới thiệu nhân sự và xây dựng Đề án nhân sự trình Bộ Chính trị phê duyệt được Thành ủy thực hiện đảm bảo đúng quy định, công khai, dân chủ, đề cao trách nhiệm tập thể Ban Chấp hành và từng cá nhân các đồng chí Thành ủy viên, đúng nguyên tắc, tạo đoàn kết, nhất trí cao. Tổng số nhân sự được giới thiệu ứng cử tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khoá XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 là 81 đồng chí, bầu tại Đại hội là 71 đồng chí (số dư 14,08%). Nhân sự tái cử là 47/81 đồng chí (58,02%); nhân sự lần đầu là 34/81 đồng chí (41,98%); số lượng Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy là 17 đồng chí; số lượng Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII là 13 đồng chí, trong đó, có Chủ nhiệm và 4 Phó Chủ nhiệm.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, văn kiện Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố được chuẩn bị từ rất sớm, ngay từ năm 2018, Thành ủy đã triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm số 20; đồng thời, chủ động tổng kết 8 chương trình công tác của Thành ủy, tổ chức 10 hội nghị lấy ý kiến và lấy ý kiến tại 50 đại hội đảng bộ trực thuộc Thành ủy cũng như lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Trong nhiệm kỳ tới, Thành ủy sẽ xây dựng 10 chương trình công tác toàn khóa, trong đó, có 3 chương trình mới so với nhiệm kỳ trước là chương trình về thúc đẩy đổi mới sáng tạo; chương trình về chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế đô thị và chương trình về đảm bảo an sinh, phúc lợi cho người dân để người dân là người thụ hưởng các thành quả phát triển của Thành phố. Ngoài ra, Thành ủy phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong nhiệm kỳ tới, trong đó, có 20% số xã nông thôn mới kiểu mẫu, 40% số xã nông thôn mới nâng cao.
Về 3 khâu đột phá (phát triển kết cấu hạ tầng, hoàn thiện thể chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực), theo ông Nguyễn Văn Phong đây là nút thắt, giải quyết được sẽ tạo sự lan tỏa sang các ngành, lĩnh vực khác. Đáng chú ý, điểm mới trong báo cáo chính trị là Hà Nội không đặt mục tiêu cạnh tranh với các tỉnh, thành phố trong nước, mà mục tiêu là vươn ra bên ngoài, cạnh tranh với các thành phố trên thế giới.
Về công tác chuẩn bị nhân sự, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, kỳ này có các điểm mới theo tinh thần Chỉ thị 35-CT/TW, đó là giảm 5% số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cũng như Ban Chấp hành các đảng bộ trực thuộc; thứ 2 là đảm bảo các tiêu chí về tỷ lệ trẻ trên 10% và nữ trên 15%.
Liên quan đến công tác chuẩn bị, phục vụ đại hội, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Thành ủy đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, ngoài việc khử khuẩn, Thành ủy còn lắp đặt các máy đo thân nhiệt tự động trong hội trường; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ cán bộ y tế cũng như thiết bị, vật tư; đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng như phòng, chống cháy nổ...
Báo cáo chính trị trình Đại hội đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045. Trong đó, đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD. Báo cáo chính trị cũng đề ra 4 nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực kinh tế: 6 chỉ tiêu; 6 chỉ tiêu văn hóa - xã hội; 5 chỉ tiêu quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường; 3 chỉ tiêu xây dựng Đảng. Đồng thời, đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá. |