Đại hội thi đua yêu nước lần X: Nhìn lại 9 kỳ đại hội thi đua yêu nước
Kể từ khi diễn ra Đại hội thi đua yêu nước lần thứ nhất, năm 1952, đến nay đã có 9 kỳ Đại hội được tổ chức.
Theo đó, đã có hàng nghìn điển hình tiên tiến tiêu biểu, đại diện cho các lĩnh vực và từng thời kỳ được tuyên dương.
Quang cảnh buổi gặp gỡ cơ quan báo chí |
Đại hội lần thứ I (năm 1952)
Đại hội Chiến sỹ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I họp từ ngày 1 đến 6/5/1952, tại chiến khu Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Đại hội.
Đại hội có trên 150 chiến sỹ thi đua công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc về dự. Đại hội tuyên dương 7 Anh hùng tiêu biểu và tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho 23 chiến sỹ xuất sắc. Trong đó có các anh hùng, chiến sỹ thi đua tiêu biểu được tôn vinh như Anh hùng Cù Chính Lan, chiến sỹ La Văn Cầu, nữ trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên, chiến sỹ Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Giáp Văn Khương, Quang Vinh...
Đây là Đại hội đánh dấu những thắng lợi của phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm. Thành công của Đại hội đã động viên toàn dân, toàn quân Việt Nam hăng hái lập nhiều thành tích, tiến lên giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.
Đại hội lần thứ II (năm 1958)
Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ II diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7/1958, tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Đại hội.
Đại hội có trên 450 đại biểu tham dự, thuộc đủ các lứa tuổi, các giới, các dân tộc, đồng bào miền Nam và Hoa kiều. Đại hội tuyên dương 26 Anh hùng lao động và đề nghị Nhà nước tặng 618 Huân chương Lao động các hạng, 38 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước.
Đại hội lần này đánh dấu những thành tích to lớn của công cuộc khôi phục kinh tế-xã hội ở miền Bắc, động viên nhân dân phấn đấu giành thắng lợi trong công cuộc cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa...
Đại hội lần thứ III (năm 1962)
Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ III diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 4 đến 6/5/1962. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Đại hội.
Đại hội tuyên dương 45 Anh hùng Lao động, 985 Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 267 đơn vị tiên tiến, đề nghị Nhà nước tặng thưởng 594 Huân chương Lao động, 27 Huân chương Chiến công các hạng. Một số cá nhân tiêu biểu như Giáo sư, bác sỹ Tôn Thất Tùng, bác sỹ Lương Định Của và các công nhân Vũ Xuân Thủy, Huỳnh Văn Tiến, Lý Văn Du, Phạm Ngọc Chức...
Đây là Đại hội đánh dấu những thắng lợi quan trọng, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tạo sức mạnh chi viện cho chiến trường miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước.
Đại hội lần thứ IV (năm 1967)
Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua lần thứ IV) họp ngày 30/12/1966, tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Đại hội.
Đại hội tuyên dương 45 tập thể và 111 cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Đây là Đại hội biểu dương ý chí và lực lượng của toàn quân và toàn dân ta, những người đã và đang làm nên chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đại hội lần thứ V (năm 1986)
Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ V diễn ra ngày 16 và 17/1/1986, tại Hà Nội.
Đại hội tuyên dương 218 đơn vị và tập thể Anh hùng, 111 cá nhân Anh hùng và 223 chiến sỹ thi đua toàn quốc.
Đây là Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần đầu tiên kể từ ngày thống nhất đất nước; là Đại hội biểu dương thắng lợi của dân và quân ta trong lao động, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; nêu cao quyết tâm khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm 1986-1990, mở đầu thời kỳ đổi mới.
Đại hội lần thứ VI (năm 2000)
Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI diễn ra từ ngày 21 đến 24/11/2000, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.
Đại hội tuyên dương 407 tập thể và cá nhân Anh hùng, 298 chiến sỹ thi đua toàn quốc, 195 điển hình tiên tiến.
Đây là Đại hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, của phong trào thi đua yêu nước trong 15 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; thể hiện ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước; động viên, cổ vũ tinh thần thi đua, ý chí vươn lên nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng.
Đại hội lần thứ VII (năm 2005)
Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII diễn ra từ ngày 4 đến 6/10/2005, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.Đại hội tuyên dương 87 Anh hùng, 241 tập thể Anh hùng, 122 Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 53 đại biểu dân tộc thiểu số, 10 tài năng trẻ, 5 thiếu niên tuy tuổi nhỏ đã lập được thành tích xuất sắc, 5 người Việt Nam ở nước ngoài và 5 người nước ngoài đã có công góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam. Cao tuổi nhất là Giáo sư Trần Văn Giàu (93 tuổi), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Đại hội có ý nghĩa quan trọng, đánh giá lại phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2001-2005; kiểm điểm việc triển khai thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW và Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị, chỉ đạo việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động đợt thi đua đặc biệt trong năm 2005 nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2001-2005).
Đại hội lần thứ VIII (năm 2010)
Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII diễn ra ngày 27 và 28/12/2010, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Đại hội tuyên dương 334 cá nhân, tập thể Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Chiến sỹ thi đua toàn quốc; 995 điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực.
Đại hội diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2006-2010), lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Đại hội tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đồng thời khẳng định những quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước về thi đua, khen thưởng trong công cuộc đổi mới đất nước.
Nội dung thi đua được gắn kết với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;” “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng chống tham nhũng;” thi đua thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đại hội lần thứ IX (năm 2015)
Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX diễn ra ngày 6 và 7/12/2015, tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội.
Đại hội đánh giá kết quả đạt được cũng như những hạn chế của các phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng trong giai đoạn 2011-2015 và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.
Đại hội biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, các anh hùng, chiến sỹ thi đua và các gương điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc.
Đồng thời, Đại hội còn có ý nghĩa quan trọng động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam, khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo động lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ bảy, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,” Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ diễn ra ngày 9 và 10/12/2020, tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội, với sự tham gia của 2.300 đại biểu./.