Thời gian gần đây, công tác đầu tư phát triển hệ thống nguồn lưới điện trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông tăng nhanh với quy mô lớn cả về khối lượng lẫn chất lượng. Đến nay, tỷ lệ số hộ sử dụng điện trên địa bàn tỉnh đạt gần 99%; 100% số thôn, buôn, bản có điện lưới quốc gia.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Giám đốc Công ty Điện lực (PC) Đắk Nông - cho biết: Năm 2020, PC Đắk Nông gặp không ít khó khăn trong quá trình đầu tư xây dựng lưới điện cũng như nguồn vốn đầu tư còn thiếu trong khi hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng của tỉnh đang trong quá trình cải tạo, nâng cấp; khối lượng công việc phục vụ chỉnh trang đô thị, cấp điện cho các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ, tái định cư tăng nhanh. Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, phụ tải phân tán, cơ sở hạ tầng, giao thông vẫn chưa đồng bộ gây khó khăn trong công tác thực hiện đầu tư cấp điện. Công tác thực hiện đền bù, giải phóng hành lang xây dựng lưới điện, thủ tục đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc...
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, thách thức, PC Đắk Nông đã nỗ lực để thực hiện công tác đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện, nhất là việc đưa điện về nông thôn và công tác bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các dịp lễ, tết, các hoạt động văn hóa lớn của tỉnh và cung cấp điện an toàn, ổn định trong các đợt cao điểm nắng nóng, PC Đắk Nông còn nỗ lực điều hành, chỉ đạo thi công xây dựng các công trình trọng điểm bảo đảm kế hoạch đề ra, tình hình thi công các dự án trọng điểm đạt tiến độ và đóng điện đúng kế hoạch.
Theo ông Ánh, thời gian qua, PC Đắk Nông đã không ngừng đầu tư, cải tạo, nâng cấp, từng bước nâng cao chất lượng hệ thống lưới điện tỉnh Đắk Nông, đặc biệt là các khu vực thôn, bon vùng sâu, vùng xa.
Công nhân PC Đắk Nông kéo điện cho đồng bào dân tộc Mông tại xã ĐắkR’măng, Đắk Glong |
Giai đoạn 2016-2020, quy mô đầu tư toàn tỉnh gồm: Đường dây trung áp 333,43km; đường dây hạ áp 423,86km; trạm biến áp 22-35kV: 87.386 kVA. Tổng vốn đầu tư 639,55 tỷ đồng. Riêng khu vực thành phố Gia Nghĩa năm 2020, PC Đắk Nông thực hiện đầu tư hoàn thiện, chỉnh trang lưới điện với quy mô: Đường dây trung áp 1,938km; đường dây hạ áp 19,176km; trạm biến áp 22kV: 360 kVA; vốn đầu tư là 8,5 tỷ đồng.
Đối với các tiểu dự án thuộc Chương trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2014-2020, đến cuối năm 2020 đã hoàn thành việc đầu tư và giải ngân theo kế hoạch vốn được giao. Trong đó, Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Nông sử dụng vốn ngân sách Trung ương, giai đoạn 2014-2020 đã giải ngân được 3,8 tỷ đồng, đạt 25,1% kế hoạch. Dự án đang tiếp tục triển khai thi công công trình cấp điện tại xã Quảng Tín (Đắk R’lấp), quy mô đầu tư xây dựng 3,7km đường dây trung áp, 10,8km đường dây hạ áp và 4 trạm biến áp. Ước khối lượng hoàn thành công trình đạt khoảng 95%.
Đối với Tiểu dự án Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, sử dụng nguồn vốn do EU tài trợ đã giải ngân được 17,5 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch. Chủ đầu tư hiện đang tổ chức thi công công trình cấp điện tại các thôn, bon của xã Thuận Hà (Đắk Song); Long Sơn (Đắk Mil) và Đắk Wil (Cư Jút).
Bên cạnh đó, PC Đắk Nông còn đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện cấp điện tỉnh Mondulkiri - Vương quốc Campuchia để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, đáp ứng kịp thời nhu cầu điện ngày càng tăng của người dân nước bạn.
Tết Tân Sửu 2021, nhiều hộ dân ở xã ĐắkR’măng vui mừng vì có điện sử dụng |
“Để đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân khu vực nông thôn, hàng năm, cùng với việc đầu tư phát triển lưới điện, công ty còn tăng cường kiểm tra đường dây và trạm biến áp, lập phương án cải tạo, sửa chữa chống quá tải cho hệ thống lưới điện. Ngoài ra, công ty còn triển khai nhiều phương án xây dựng và nâng dung lượng trạm biến áp nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện ổn định, đáp ứng nhu cầu phụ tải, cấp điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.” - Ông Nguyễn Ngọc Ánh chia sẻ.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, việc các hộ trong vùng triển khai dự án được sử dụng điện lưới quốc gia một cách an toàn và ổn định chính là mục đích, ý nghĩa và thành công của dự án đưa điện về nông thôn. Bắt đầu từ đây, các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo sẽ dần thay đổi, chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng cao, kinh tế - xã hội của các vùng nông thôn sẽ có điều kiện phát triển, góp phần hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới.