Nhưng tình trạng vẫn căng thẳng sau khi Mỹ tiếp tục đe dọa tăng thuế đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa, chọc giận nhiều doanh nghiệp và nông dân Mỹ đang cảm thấy gánh nặng từ cuộc chiến thương mại.
Trước đó, ngày 10/5, Tổng thống Donald Trump cho biết các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục và quyết định về việc có nên rút lại thuế nhập khẩu trừng phạt hay không sẽ phụ thuộc vào tiến trình được thực hiện. Washington đã kích hoạt việc tăng thuế trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ 10% lên 25%. Bắc Kinh tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đối kháng cần thiết.
Tia hy vọng đã trở lại ở Phố Wall, nơi chịu áp lực cả tuần qua, và chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã phục hồi sau khi mất gần 350 điểm để chốt phiên đóng cửa với mức tăng 117 điểm. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer đã có cuộc đối thoại gần hai giờ đồng hồ với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 10/5 và sau đó báo cáo tóm tắt kết quả với Tổng thống Trum tại Nhà Trắng. Ông Trump cho rằng không vội đạt được thỏa thuận bởi Mỹ đang đàm phán từ vị thế mạnh.
Cuộc chiến thương mại mà Mỹ khởi xướng bắt đầu khi Tổng thống Trump bế tắc với những phàn nàn về các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc. Mỹ đang thúc ép Trung Quốc thay đổi chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ, cũng như trợ cấp lớn cho các công ty nhà nước và giảm thâm hụt thương mại. Sau nhiều tuần lạc quan gia tăng về cơ hội cho một thỏa thuận, Nhà Trắng đã chuyển từ giận dữ sang bất cần khi ngày 05/5, dòng tweet của ông Trump về cuộc đàm phán đang diễn tiến “quá chậm”, cáo buộc Trung Quốc lật ngược các cam kết và tuyên bố tăng thuế. Nhưng khi đã tăng thuế ngày 10/5 thì ông Trump cho rằng không cần quá vội vàng cho một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Washington đã cho Bắc Kinh 3-4 tuần nữa trước khi chính quyền Trump có động thái thực hiện đe dọa mới đó là áp thuế với tất cả hàng nhập khẩu Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục lập luận rằng thuế quan theo một cách nào đó có thể tốt hơn để đạt được thỏa thuận.
Các nhà kinh tế nhấn mạnh rằng các công ty và người tiêu dùng Mỹ phải trả thuế và dẫn đến giá cao hơn, trong khi nông dân và nhà sản xuất phàn nàn về việc mất thị trường cho hàng xuất khẩu của họ do bị trả đũa từ Trung Quốc và các mục tiêu khác từ cơn thịnh nộ thương mại của Trump. Các nhà phân tích của Viện kinh tế quốc tế Peterson khẳng định “không có ai chiến thắng trong cuộc chiến thương mại”. Kể từ năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế đối với hơn 360 tỷ đô la thương mại hai chiều, tác động đến xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc và các ngành sản xuất của cả hai nước. Mức thuế cao hơn được áp dụng vào ngày 10/5 đánh vào một loạt các thiết bị điện, máy móc, phụ tùng ô tô và đồ nội thất do Trung Quốc sản xuất. Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc mặc dù thất vọng vì các mức thuế tăng lên nhưng vẫn ủng hộ nỗ lực của cả hai bên để đạt được một thỏa thuận thương mại mạnh mẽ có thể được thực thi nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính cấu trúc mà các doanh nghiệp Mỹ đã phải đối mặt tại Trung Quốc bao lâu nay. Oxford Economics ước tính "cú đấm thuế quan" từ tất cả các mức thuế hiện tại sẽ cắt giảm 0,3 điểm phần trăm khỏi tăng trưởng của Mỹ và cảnh báo rủi ro suy thoái đang gia tăng. Các nhà kinh tế ở Trung Quốc cũng ước tính một tác động tương tự. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng xung đột và mất niềm tin mà nó tạo ra sẽ có tác động rộng lớn hơn đến nền kinh tế toàn cầu và là rủi ro lớn đối với tăng trưởng.