Danh mục đầu tư công trung hạn: Chưa thống nhất Quốc hội hay Chính phủ quyết định
Về tiêu chí phân loại dự án trọng điểm quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án: Một là, giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là mức vốn từ 10.000 tỷ đồng. Hai là, điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng gấp 2 lần mức hiện hành.
Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết |
Kết quả biểu quyết, có 75,83% số đại biểu Quốc hội thống nhất giữ nguyên tiêu chí như quy định hiện hành của Luật Đầu tư công. Về thẩm quyền xem xét quyết định danh mục đầu tư công trung hạn, đây là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các đại biểu trong phiên thảo luận ngày 28/5, vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình 2 phương án để các đại biểu quyết định.
Qua biểu quyết, có 48,35% đồng ý phương án Quốc hội quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội uỷ quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục mức vốn các chương trình dự án đầu tư công và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất.
Trong khi đó, 42,56% số đại biểu lại đồng ý với phương án "Quốc hội chỉ quyết định danh mục dự án trọng điểm quốc gia và Chính phủ quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương".
"Cả hai phương án đều không có quá bán tổng số đại biểu đồng ý, vì vậy sẽ phải có những bước tiếp thu, giải trình cho phù hợp", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.
Về thời gian trình và thông qua chương trình đầu tư công trung hạn, với việc 65,70% số đại biểu đồng thuận, Quốc hội thông qua phương án "Chính phủ trình Quốc hội dự thảo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới tại kỳ họp thứ 5 năm của nhiệm kỳ để Quốc hội cho ý kiến, Quốc hội khoá mới quyết định kế hoạch".
Trước đó, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội có những quan điểm khác nhau về thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công. Đa số muốn giữ thẩm quyền cho Quốc hội bởi lo lắng cơ quan này sẽ không được quyền quyết dự án đầu tư lớn của quốc gia. Tuy nhiên, một số đại biểu lại cho rằng, Luật Đầu tư công đang là điểm trừ, khiến nhiều dự án không thể giải ngân và đề nghị cần phân cấp mạnh hơn nữa, giao Chính phủ quyết định danh mục dự án đầu tư công.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: "Chính phủ không phủ nhận quyền của Quốc hội", nhưng với gần 10.000 dự án thì mỗi dự án chỉ cần điều chỉnh 3-5 lần trong vòng đời, thì khối lượng công việc Quốc hội sẽ phải quyết sẽ quá tải.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) vào sáng 13/6.