52 lớp đào tạo, phổ biến kiến thức về thương mại điện tử với hơn 7.500 học viên được tổ chức tại 10 tỉnh thành đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức năm 2023. Bên cạnh đó, các lớp đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp muốn tham gia phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới của Amazon Global Selling cũng đã có sự tham gia của hơn 700 người… Đó chỉ là một vài con số minh chứng cho thấy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển thương mại điện tử đang được chú trọng và tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong năm 2024.
Thông tin từ Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử của Cục đã tổ chức được 4 Hội nghị tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trong thời đại công nghệ số tại 2 địa phương là Bình Thuận và Bắc Giang. Các chương trình tập huấn đào tạo này thu hút sự tham gia của đại diện hàng trăm doanh nghiệp tham gia.
Theo đó, tại Bắc Giang, trong 2 ngày 28 và 29/5/2024, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử phối hợp với Sở Công Thương Bắc Giang tổ chức 3 Hội nghị tập huấn với mục đích phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trong thời đại công nghệ số.
Hội nghị tập huấn về phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tại Bắc Giang |
Theo Lãnh đạo Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu và Thương mại điện tử (Sở Công Thương Bắc Giang), việc mua bán hàng hóa trực tuyến hiện đang rất phổ biến và là giải pháp tối ưu thay thế cho phương pháp mua bán truyền thống. Vì vậy, hình thức kinh doanh này ngày càng mở rộng, đa dạng về hình thức cũng như nội dung và đang diễn ra sôi động trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Postmart; các website thương mại điện tử như: thegioididong, Pico, Dienmayxanh...
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay, việc ứng dụng thương mại điện tử ngày càng sôi động. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đã khai thác, tận dụng lợi thế thương mại điện tử nhằm quảng bá, mở rộng cơ hội tìm kiếm, kết nối với các đối tác và người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn do năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị, hộ sản xuất chưa cao.
“Việc phối hợp tổ chức 3 hội nghị đào tạo, với mong muốn cung cấp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và học sinh, sinh viên… những kiến thức cơ bản về thương mại điện tử cũng như kỹ năng vận dụng thực tế” - Lãnh đạo Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu và Thương mại điện tử (Sở Công Thương Bắc Giang) nhấn mạnh.
Tại các buổi đào tạo, các học viên đã được cung cấp kiến thức cơ bản về: Thực trạng thương mại điện tử và những lưu ý khi kinh doanh trong thời đại số; xu hướng ứng dụng thương mại điện tử, quy trình xây dựng và vận hành doanh nghiệp số hiệu quả; giải pháp tiếp thị đa kênh và một số lưu ý khi biên tập nội dung nhằm tăng năng lực tiếp cận khách hàng và tối ưu hoá chuyển đổi; thực hành kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng ở Việt Nam, mạng xã hội Facebook, TikTok và hướng dẫn cách livestream bán hàng trên các nền tảng…
Các buổi đào tạo nhân lực thương mại điện tử thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, doanh nghiệp |
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử - cho biết, những năm qua, nhằm thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số phát triển, Bộ Công Thương (cụ thể là Cục thương mại điện tử và Kinh tế số) đã hỗ trợ, kết nối hàng ngàn doanh nghiệp tham gia và chinh phục thị trường thương mại điện tử, trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo đó, số liệu thống kê từ Amazon Global Selling cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 17 triệu sản phẩm Việt Nam được bán trên các gian hàng Amazon, góp phần đưa hàng Việt “cất cánh toàn cầu”. Vì vậy, nếu doanh nghiệp đủ năng lực và có nhu cầu mở rộng thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cơ hội để chinh phục và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, tăng cường các chương trình giáo dục và nâng cao kỹ năng kỹ thuật số để phát triển đội ngũ nhân lực và lãnh đạo cho ngành thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong bốn nội dung quan trọng sẽ được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Amazon triển khai trong kế hoạch hợp tác giai đoạn 2 của hai bên. Dự kiến sẽ có hàng trăm doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu chủ lực được tham gia các khóa đào tạo.
Được biết, theo kế hoạch năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tổ chức 6 lớp đào tạo tập huấn cho các nhóm đối tượng về thương mại điện tử trên cả nước; Tổ chức 1 hội thảo tập huấn về thương mại điện tử cho giảng viên các trường cao đẳng, đại học trên cả nước. Đồng thời, phối hợp tổ chức và đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương trong cả nước (khoảng 20 lớp); Tiếp tục phối hợp cùng Amazon Global Selling, OSB - Đại lý đầu tiên của Alibaba tại Việt Nam tổ chức các chương trình hội nghị, lớp tập huấn, đào tạo hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước.