Đạt được nhiều bước tiến quan trọng
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiêm Trưởng ban chỉ đạo Dự án Phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (RETA 7644) - Nguyễn Quân Chính khẳng định: Hội thảo lần này cụ thể hóa các nội dung xác định 2 nhóm hỗ trợ phát triển chủ yếu cho các đô thị hành lang, đó là chiến lược phát triển kinh tế địa phương và xây dựng hạ tầng đô thị. Hội thảo cũng tập trung thảo luận dự thảo kế hoạch đầu tư và cơ cấu nguồn vốn cho các đô thị hành lang; xác định danh mục các tiểu dự án cần ưu tiên đầu tư; thu thập quan điểm và sự đồng thuận của các bên liên quan đến dự án từ cấp tỉnh và các địa phương tham gia về kế hoạch cấp vốn, danh mục tiểu dự án; thảo luận về kế hoạch đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho các đô thị hành lang tham gia dự án tại Việt Nam; kêu gọi sự đồng thuận đối với kế hoạch thực hiện các hoạt động còn lại của tư vấn quốc tế hỗ trợ xây dựng các tiểu dự án.
Dự án phát triển đô thị dọc hành lang Tiểu vùng sông Mê Kông nhằm mục đích phát huy tối đa lợi ích kinh tế của việc tăng cường thương mại và giao thông qua các hành lang giao thông chính trong tiểu vùng sông Mê Kông. Có 10 đô thị nằm trên tuyến hành lang này, trong đó Việt Nam có 3 đô thị là Lao Bảo, Đông Hà (Quảng Trị) và Mộc Bài (Tây Ninh). Thời gian thực hiện từ tháng 5/2011- 1/2012. |
Vị trí chiến lược của 3 đô thị của Việt Nam tham gia vào dự án gồm: TP. Đông Hà, thị trấn Lao Bảo (Quảng Trị), thị trấn Mộc Bài (Tây Ninh), đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường thuận lợi cho các chiến lược đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Ban chỉ đạo Dự án RETA 7644, đơn vị tư vấn Norconsult – Infra-Thanglong cùng với ADB đã tiến hành các hoạt động chính để dự thảo các kế hoạch đầu tư và phát triển kinh tế cho các đô thị dọc hành lang của Việt Nam tham gia dự án. Theo đó, có 11 tiểu dự án đã được xây dựng. Thông qua quá trình tham vấn với các địa phương và các bên liên quan, dự án đã xác định được các tiểu dự án cần đầu tư gồm: Nâng cấp tuyến đường nội đô; hệ thống thoát nước; cấp nước và vệ sinh môi trường; hệ thống thoát nước thải; bãi thu gom, xử lý rác thải; kè chống xói lở hai bờ sông, cảng, chợ với tổng số vốn đầu tư là 70 triệu USD.
Sau khi đơn vị tư vấn Norconsult – Infra-Thanglong báo cáo chi tiết quá trình khảo sát thực địa, xây dựng các nội dung, danh mục đầu tư của các tiểu dự án, hội thảo đã tập trung thảo luận để thống nhất lại quy mô, hạng mục cho phù hợp với mức đầu tư. Đặc biệt là quyết định vấn đề tài chính cho từng tiểu dự án, bởi đây là vấn đề cốt lõi, đặc biệt quan trọng.
Ngoài ra, hội thảo cũng tập trung thảo luận và thống nhất các bước tiếp theo liên quan đến việc chuẩn bị các gói đầu tư về cơ sở hạ tầng kinh tế và môi trường đô thị trọng điểm; ưu tiên đến các “dự án sạch” ít đền bù và thời gian giải phóng mặt bằng nhanh, công trình cấp thiết tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh.
Mong muốn của các địa phương là ADB tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ để giúp các địa phương giải quyết cơ bản kết cấu hạ tầng.
Có thể nói, dự án đi vào hoạt động là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng đô thị, xóa đói giảm nghèo, góp phần đưa các hành lang giao thông thành các hành lang kinh tế, thương mại.
T.H