Chương trình 135 đang góp phần thay đổi đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số |
Kinh phí “chạy dài” chưa kịp định mức phê duyệt
Trước câu hỏi: “Chương trình, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đều do Thủ tướng ban hành nhưng sau đó lại nói là thiếu kinh phí nên chưa thể cấp vốn, hoặc cấp vốn dưới với định mức phê duyệt? Đơn cử như, kinh phí phê duyệt đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã năm 2014 là 1,5 tỉ đồng/xã/năm, nhưng con số đầu tư thực tế chỉ là 1 tỉ đồng, khiến nhiều công trình khó hoàn thành. Cứ kéo dài tình trạng này, liệu đồng bào có còn niềm tin vào chính sách?”; Bộ trưởng Giàng Seo Phử thẳng thắn: Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về cơ quan tham mưu là UBDT nhưng một phần cũng do Quốc hội chưa quan tâm đúng mức. Hầu hết các chính sách đưa ra đều mang tính nhiệm kỳ, thiếu tính hệ thống, các nguồn vốn chưa được phân chia theo trung hạn, dài hạn. “Nhiệm kỳ 5 năm, nhưng mất 3 năm để xây dựng chính sách, đồng bào chỉ còn 1-2 năm để thụ hưởng. Đây là một bất cập, là thiệt thòi lớn cho đồng bào”.
Riêng với Chương trình 135, việc thiếu vốn đang xảy ra với tất các hợp phần, từ hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng đến duy tu, bảo dưỡng công trình. Mỗi dự án đều chỉ nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ bằng hơn 64% so với định mức được phê duyệt. Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Năm 2014 và 2015, thu ngân sách nhà nước gặp khó khăn và nguồn vốn dành cho đầu tư hạn chế. Do đó, Thủ tướng đã có chỉ thị tạm thời không ban hành thêm và thực hiện các chính sách mới. Đối với Chương trình 135, tạm thời vẫn thực hiện mức đầu tư cũ – như trước năm 2013.
Cần sự đồng thuận của các bộ, ngành
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử: Hiện tại, chúng ta đang có 16 chương trình mục tiêu quốc gia dành cho đồng bào nghèo. Tuy nhiên, hầu hết các chính sách đều kết thúc vào năm 2015. “Trong lúc tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 8%, thì ở vùng DTTS và miền núi, tỷ lệ này lên đến hơn 30%. Nhiều vùng, bà con vẫn đang sống rất khó khăn. Chính vì vậy, bên cạnh Chương trình 135 đã được Chính phủ phê duyệt kéo dài đến năm 2020, cần tiếp tục có những chính sách đầu tư cho vùng DTTS và miền núi” - Bộ trưởng Giàng Seo Phử đề nghị.
Trước quan điểm của Bộ trưởng Phử, nhiều đại biểu đặt vấn đề: Với rất nhiều chính sách được ban hành, chúng ta đang lo cho đồng bào từ giống cây - con, điện, nước, giáo dục… Liệu như vậy có làm hạn chế tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào? Chưa kể đến việc, không ít các chính sách đang cho thấy sự chồng chéo, dàn trải, phân tán, hiệu quả đầu tư thấp? Bộ trưởng Phử thẳng thắn: “Để người dân thoát nghèo cần rất nhiều yếu tố, như: đất ở, đất sản xuất, tái định cư…, nhưng giao đất ở, đất canh tác như thế nào lại không thuộc thẩm quyền của UBDT”. Bộ trưởng mong muốn Quốc hội giao cho các cơ quan nghiên cứu giảm nghèo cho vùng DTTS và miền núi. Trong đó, thể hiện được tính ưu tiên trong đầu tư cho đồng bào khu vực biên giới và an toàn khu.
Vê phía UBDT, sắp tới sẽ tính toán để xây dựng một số chương trình đa mục tiêu, đa lĩnh vực và triển khai ở vùng trọng điểm khó khăn nhất. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế điều hành phù hợp, phân công trách nhiệm rõ ràng, hiệu quả để loại bỏ tình trạng phân tán, chồng chéo, lãng phí nguồn lực như vừa qua. Tuy nhiên, các chính sách dành cho đồng bào có sự tham gia xây dựng, thực hiện của rất nhiều bộ, ban, ngành, địa phương…; chính vì vậy, chỉ khi có sự đồng thuận, tâm huyết thì những chính sách mới thực sự đi vào đời sống và thực thi có hiệu quả.