Nhiều thỏa thuận hợp tác phát triển vùng Tây Bắc đã được ký kết ngay tại hội nghị |
Tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Tây Bắc năm 2015 có đại diện của rất nhiều bộ, ngành, đặc biệt có hơn 140 nhà đầu trong và ngoài nước. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của Tây Bắc rất lớn.
Khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề: Tại sao Chính phủ đã có rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho Tây Bắc; bản thân các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào Tây Bắc cũng nhận được nhiều ưu đãi về thuế, đất đai…, nhưng đến nay, Tây Bắc vẫn là vùng kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước?
Bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng: Việc liên kết chưa có hệ thống, thiếu một thể chế cụ thể giữa các tỉnh Tây Bắc, khiến hiệu quả đầu tư vào Tây Bắc không như kỳ vọng. Để phát triển, Tây Bắc rất cần có những dự án lớn, mang tính động lực để thu hút các dự án hỗ trợ khác.
Thực tế, số lượng DN đầu tư vào Tây Bắc mới chỉ chiếm 4% so với cả nước (tương đương khoảng 15.000 DN), tổng vốn đầu tư trong nước mới đạt 320.000 tỷ đồng, bằng 2% vốn đăng ký đầu tư trên toàn quốc. Về thu hút FDI, tính đến hết năm 2013, Tây Bắc mới thu hút được 442 dự án, với tổng vốn đăng ký 7,8 tỷ USD- rất khiêm tốn cả về số lượng dự án và vốn đăng ký.
Nguyên nhân khiến các DN chưa mặn mà với Tây Bắc có nhiều, nhưng theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- năng lực cạnh tranh của các tỉnh quyết định rất nhiều đến thu hút đầu tư. Thực tế đã chứng minh, những tỉnh thành công trong thu hút đầu tư như Thái Nguyên, Lào Cai, Hòa Bình đều luôn nỗ lực cải thiện chỉ số cạnh tranh (PCI). Trong đó, đáng lưu ý, thay vì coi DN là đối tượng quản lý, các tỉnh đã chuyển DN thành đối tượng phục vụ, đối tác để đồng hành, với tư duy “DN phát tài, địa phương phát triển”, “thành công của DN là nghĩa vụ của chính quyền”...
Kết thúc hội nghị, đã có hơn 24.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư; hơn 502 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội cho vùng Tây Bắc. Hiệp hội Doanh nghiệp vùng Tây Bắc chính thức thành lập với sự tham gia của hàng trăm DN tiêu biểu vùng Tây Bắc. |
Tây Bắc có rất nhiều tiềm năng rừng, tài nguyên, khoáng sản, tuy nhiên, do thiếu đội ngũ DN đầu tư, nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu, chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường… nên rất nhiều tiềm năng của Tây Bắc vẫn ở dạng tiềm năng, hoặc khai thác manh mún, không có quy hoạch, tầm nhìn dài hạn.
Để khắc phục tình trạng này, cùng với việc kêu gọi các DN tích cực đầu tư hơn nữa cho Tây Bắc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất: “Lối ra” của Tây Bắc thời gian tới tiếp tục là nông- lâm nghiệp. Trong đó, khoa học công nghệ chính là yếu tố quan trọng để tạo nên những bước chuyển lớn. Nguồn vốn cho Tây Bắc đã sẵn sàng, cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để phát huy thế mạnh riêng, các địa phương nên xem xét chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp, hiệu quả. Trong đó, cần nghiên cứu để phát triển mạnh mẽ các loại hình DN, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho các DN đến đầu tư; dành sự quan tâm hơn nữa tới hai nước có biên giới chung với khu vực Tây Bắc là Lào và Trung Quốc. Các nhà đầu tư đã ký kết đầu tư “nói là phải làm”, nhà đầu tư nào chưa đầu tư, cần nghiên cứu để tiếp tục đầu tư, từng bước giúp Tây Bắc phát triển.