Các kỹ sư đang nghiên cứu đưa khoa học vào cuộc sống
CôngThương - Chưa tìm được tiếng nói chung
Số liệu tại Hội thảo “Quản lý và thương mại hóa tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ - KH&CN) tổ chức mới đây tại Hà Nội cho thấy: mỗi năm, các tổ chức nghiên cứu trong nước thực hiện khoảng 2.000 nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, mỗi năm, các trường đại học đào tạo khoảng 15.000 thạc sĩ, 1.000 tiến sĩ. Nếu coi mỗi luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ là một kết quả nghiên cứu, thì hàng năm khối các trường đại học đóng góp vào kho kết quả nghiên cứu khoảng 16.000 kết quả.
Tính đến tháng 10 năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ quốc gia đã cấp khoảng 12.000 văn bằng bảo hộ với các sáng chế, giải pháp hữu ích có nguồn gốc nước ngoài được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Ngoài ra, mỗi năm có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, giải pháp hữu ích mang tên “sáng chế nông dân”.
Tuy nhiên, tỷ lệ các nghiên cứu này ứng dụng vào khu vực doanh nghiệp sản xuất còn rất nhỏ. Hiện Việt Nam có chưa đầy 10% kết quả nghiên cứu, tức là chỉ khoảng 2.000 kết quả là có tiềm năng ứng dụng thực tế, số còn lại là các nghiên cứu không phải nghiên cứu ứng dụng, hoặc những nghiên cứu chưa thiết thực với thực tế sản xuất trong nước.
Ngoài ra, việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ các tổ chức khoa học và công nghệ vào doanh nghiệp còn rất hạn chế.
Sản phẩm khoa học phải trúng nhu cầu xã hội
Anh Nguyễn Tiến Đạt - làm việc tại một cơ sở sản xuất nano bạc ở TP.HCM - chia sẻ: “Cách đây hai năm, tôi đã nghiên cứu nano bạc thành công nhưng mất hơn 1 năm thành quả “xếp xó” vì không biết tìm đâu ra khách hàng. Sau nhiều nỗ lực tìm hiểu, thay vì chờ đợi khách hàng mua về chế tạo các sản phẩm ứng dụng, tôi tìm hiểu nhu cầu của người nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả để thiết kế và chế tạo lại sản phẩm cho phù hợp với cách sử dụng và an toàn cho môi trường, không độc hại và hiệu quả cao. Kết quả là sản phẩm nano bạc của tôi đã bán ra thị trường và phổ biến rộng rãi cả nước. “Bài học để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học là hãy bắt đầu từ nhu cầu thực tế, đừng làm ra sản phẩm rồi “bắt” mọi người phải dùng” – anh Đạt kết luận.
Đồng tình với quan điểm nhà nghiên cứu cũng phải tự tiếp thị sản phẩm của mình, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng - cho rằng, “Làm khoa học trước hết phải bắt đầu từ việc giải quyết các bài toán thực tế của cuộc sống. Nhà khoa học phải gần dân, sát dân để tìm hiểu và phát hiện các nhu cầu của họ”.
Theo Th.s Phan Quốc Nguyên - trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, cần thúc đẩy thương mại hóa công nghệ giữa trường đại học và doanh nghiệp. Hỗ trợ thành lập các cơ quan trung gian thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ, đầu tư trang thiết bị nhằm tăng cường nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, tổ chức thêm các chợ công nghệ. Thúc đẩy thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ và vườn ươm công nghệ, có chính sách ưu đãi về thuế nhằm hỗ trợ chuyển giao công nghệ giữa trường đại học và doanh nghiệp… nMỗi năm, các tổ chức, cá nhân trong nước đóng góp thêm vào kho tài sản trí tuệ khoảng 20.000 kết quả nghiên cứu, sáng chế nhưng hiệu quả sử dụng chỉ đạt 10%.