Coi TMĐT là lĩnh vực quan trọng
Kể từ cuối năm 2019 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giãn cách kéo dài đã khiến chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử được Sở Công Thương đặc biệt chú trọng để thúc đẩy phát triển và trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến, lựa chọn tối ưu của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng; góp phần đảm bảo cung ứng hàng hóa, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong đại dịch, hỗ trợ quảng bá sản phẩm địa phương có thế mạnh…
Nhằm đẩy mạnh phát triển TMĐT, từ năm 2016-2020, Sở Công Thương Đà Nẵng đã hỗ trợ 208 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai các giải pháp ứng dụng TMĐT thông qua các hình như như: xây dựng website thương mại điện tử, trang hồ sơ năng lực trực tuyến (Fortfolio), giải pháp SEO qua Landing Pages, ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng, quản lý bán hàng thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tham gia sàn thương mại điện tử (Alibaba, Lazada, Sendo...); triển khai xây dựng Sàn TMĐT thành phố Đà Nẵng (danangtrade.com.vn) với 1.665 doanh nghiệp giới thiệu 2.529 sản phẩm/dịch vụ trên Sàn TMĐT...
Để thích ứng với tình hình dịch bệnh cũng như thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 của Thành ủy về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Công Thương đã tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai Kế hoạch số 7950/UBND-KH ngày 02/12/2020 về phát triển thương mại điện tử thành phố giai đoạn 2021-2025. Qua đó, đã kết nối doanh nghiệp TMĐT với các nhà sản xuất, nhà phân phối để quản lý chuỗi cung ứng; nâng cấp sàn giao dịch TMĐT; đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến (thanh toán không dùng tiền mặt); từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của thành phố Đà Nẵng trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các giải pháp số trong hoạt động kinh doanh…
Đơn cử, thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh giãn cách do Covid-19, nhiều sàn TMĐT đã kết nối với người dân nhằm tiêu thụ nông sản theo ngày (như ớt, rau củ). Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT là xu hướng giúp người bán nhanh chóng đưa sản phẩm của mình ra thị trường với thông tin minh bạch và giúp người mua tìm kiếm, tiếp cận nhà cung cấp nông sản nhanh hơn với chi phí tiết kiệm hơn. Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng tăng mua hàng qua TMĐT cũng giúp người dân được mua sắm hàng hóa mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hiện thành phố đang xem xét, phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn góp phần tiêu thụ nhanh, tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người nông dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian. Đồng thời, Sở Công Thương cũng đã triển khai các chương trình hỗ trợ như xây dựng trang thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm và dán tem truy xuất cho sản phẩm OCOP, tổ chức các chương trình khuyến mại trực tuyến…
Đáng chú ý, điểm đặc biệt trong việc ứng dụng lợi thế từ TMĐT cho tiêu thụ hàng hóa nông sản là khả năng giải quyết được tính manh mún, nhỏ lẻ của các loại nông sản không có sản lượng lớn hay thị trường xuất khẩu ổn định. Trong khi các sản phẩm xuất khẩu chủ lực đã có các công ty lương thực, xuất nhập khẩu tham gia thị trường thì các hàng hóa nông sản địa phương bị nhường lại cho tư thương thu mua. Do đó, với sự xuất hiện của các phương thức TMĐT, các sản phẩm này có thể tìm được thêm một lối ra thị trường mới hơn, tiếp cận đối tượng tiêu dùng rộng lớn hơn. Đặc biệt, các kênh TMĐT cũng giúp người nông dân, các hợp tác xã tiếp cận thị trường, thị hiếu người mua hơn, nhạy cảm hơn về giá, nhu cầu thị trường, từ đó điều chỉnh sản xuất tốt hơn.
Tích cực ứng dụng TMĐT trong xuất nhập khẩu
Với hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian qua, TMĐT đã có bước phát triển nhanh chóng và trở thành một phương thức hữu hiệu để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở lối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng trên toàn cầu đã có sự thay đổi rõ rệt theo sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, cùng với biến động do dịch COVID-19 gây ra. Trong đó, TMĐT trở thành xu thế kinh doanh của thương mại toàn cầu. Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành phương án để các nhà sản xuất, kinh doanh tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thói quen mua sắm đang có sự chuyển biến mạnh mẽ từ mua hàng truyền thống sang mua hàng trực tuyến. Khảo sát của Amazon Global Selling đối với người tiêu dùng Mỹ cho biết, kết quả 75% người tiêu dùng tin dùng nhà bán lẻ mới; 36% người tiêu dùng sẽ sẵn sàng thử nhãn hiệu mới. Đây là cơ hội rất lớn để các sản phẩm Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung tìm kiếm và tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.
Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của thành phố. Mặc dù vậy nhờ các giải pháp hỗ trợ DN từ chính quyền, đặc biệt là sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng DN, kim ngạch xuất khẩu của TP. Đà Nẵng năm 2020 đạt gần 1,6 tỷ USD, 10 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.425 triệu USD; tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2020. Một số doanh nghiệp Đà Nẵng đã đưa được hàng hóa lên các sàn TMĐT toàn cầu như Amazon.
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu của Đà Nẵng có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh và vốn hạn chế, do đó, việc tiếp cận các chuỗi cung ứng và người tiêu dùng toàn cầu cũng gặp nhiều khó khăn. Song với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của TMĐT toàn cầu kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khắc phục được những khó khăn này, từ đó có thể mở rộng thị trường xuất khẩu. Dưới góc độ là cơ quan quản lý, thời gian qua, Sở Công Thương Đà Nẵng đã phối hợp với Bộ Công Thương triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp lên các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Voso... Đồng thời, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh qua TMĐT…
Thông qua các chương trình kích cầu, các doanh nghiệp đã phát triển mạnh mẽ ứng dụng bán hàng, thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, Sở Công Thương đã và đang phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm logistics, hệ thống kho hàng hóa… để hỗ trợ TMĐT phát triển.
Với mục tiêu đến năm 2025, doanh số TMĐT chiếm ít nhất 10% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng dịch vụ; tối thiểu 50% dân số thành phố tham gia mua sắm trực tuyến; tối thiểu 90% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử… Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, chú trọng xây dựng và triển khai đề án chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; tiếp tục hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng mã QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến... và hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua.