Nhiều ngân hàng dành ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu |
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi tập trung số lượng lớn DN xuất khẩu nông- thủy sản. Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ thiết thực cho DN. Ông Võ Ngọc Diệp- Giám đốc Vietinbank chi nhánh Đồng Tháp- cho biết, ngay từ đầu năm, Vietinbank triển khai nhiều chương trình có mức lãi suất thấp hơn từ 1- 4% so với mức lãi suất cho vay thông thường đối với DN xuất khẩu. Tới nay, doanh số cho vay của DN xuất khẩu đạt 2.945 tỷ đồng.
Đối với cho vay ngoại tệ, VietinBank Đồng Tháp giảm lãi suất từ 2- 3%/năm so với mặt bằng lãi suất chung của thị trường. Ngoài ra, để hạn chế những rủi ro về tỷ giá, VietinBank luôn tư vấn và cung cấp những sản phẩm ngoại hối như hoán đổi, kỳ hạn... Với các chương trình trên, doanh số cho vay USD giải ngân bằng tiền đồng ước khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đại diện ngân hàng Eximbank khẳng định: Riêng cho vay xuất khẩu, Eximbank luôn ưu đãi về lãi suất dù vay VND hay ngoại tệ. Mức lãi suất áp dụng cho vay USD chỉ khoảng 3% và VND khoảng 7-8%.
Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB) cho hay, để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, SHB triển khai chương trình “Chung sức cùng DN xuất khẩu”. 6 tháng đầu năm, SHB giải ngân hơn 1.200 tỷ đồng cho DN xuất khẩu vay vốn. Hiện tại, ngân hàng dành 2.000 tỷ đồng triển khai tiếp chương trình này, dự kiến đến hết tháng 12 hoặc đến khi hết hạn mức ưu đãi. Theo đó, các DN có nguồn thu bằng USD muốn vay vốn phục vụ cho hợp đồng xuất khẩu sẽ được ngân hàng tài trợ với lãi suất USD từ 2,5%/năm.
Ngoài gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, nhiều ngân hàng tại Đồng Nai triển khai các gói tài trợ xuất khẩu, với nhiều tiện ích như ngay khi ký kết hợp đồng hoặc có L/C xuất khẩu, DN có thể được tài trợ lên đến 90% trị giá hợp đồng, cũng như tài trợ vốn khi mua nguyên liệu cho đến khi nhận được tiền thanh toán của nước ngoài. Đối với các DN vay ngoại tệ đến cuối năm nếu hết hạn, sẽ được gia hạn giúp DN tránh áp lực mua ngoại tệ trả nợ. Việc gia hạn này giúp thị trường ngoại tệ ít biến động và DN nhập khẩu yên tâm tìm giải pháp hoạt động hiệu quả hơn.
Ông Huỳnh Quang Đấu- Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco)- cho hay, thời gian qua, Antesco được Ngân hàng Agribank chi nhánh An Giang hỗ trợ vốn ưu đãi để nâng công suất chế biến dây chuyền sản xuất lên gần 20.000 tấn nguyên liệu/năm, đáp ứng nhu cầu mở rộng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Đặc biệt, mới đây, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ, công ty được hưởng lợi cao khi thu về hơn 2.000 đồng chênh lệch cho mỗi USD giá trị xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Cần- Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển Công ty TNHH MTV Tổng Công ty 28- chia sẻ, thời gian qua việc biến động giá Nhân dân tệ, USD đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu (do 80% sản lượng hàng dùng cho xuất khẩu). Tuy nhiên, do được Ngân hàng CP Quân đội (MB) hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nên không bị tác động của các chính sách tỷ giá. Tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng may mặc của công ty tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trừ những DN nhỏ, không chứng minh được năng lực thì hầu hết các DN thủy sản đều tiếp cận vốn ngân hàng khá tốt. Trong những tháng tới- thời điểm DN cần nguồn vốn lớn để phục vụ nhu cầu Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, tuy nhiên, VASEP chưa nhận được sự phản hồi nào của DN phàn nàn về việc không tiếp cận vốn. Điều này chứng tỏ các DN đã đàm phán tốt với ngân hàng hoặc DN chủ động được vốn.