Lễ khởi công dự án nhiệt điện Hải Dương
CôngThương - Điều này cho thấy, trải qua một thời gian dài chật vật, đến nay, sự phát triển các dự án nhiệt điện BOT đang dần khởi sắc.
Các dự án đang trong tầm kiểm soát
Sau gần 6 năm đàm phán và chuẩn bị, Nhà máy nhiệt điện BOT Mông Dương 2 công suất 1.200 MW với tổng vốn đầu tư 1,95 tỷ USD đã khởi công xây dựng ngày 16/9, dự kiến tháng 7/2015 sẽ chính thức vận hành thương mại. Dự án BOT Hải Dương công suất 1.200 MW khởi công ngày 9/9 sẽ đưa tổ máy 1 hoạt động vào quý IV/2016, tổ máy số 2 hoạt động vào quý II/2017.
Hiện chủ đầu tư dự án Hải Dương cho biết, vừa nộp khoản tiền hơn 20 triệu USD bảo lãnh ngân hàng theo hợp đồng BOT đã ký, đồng thời cũng đã nhận bàn giao lô đất đầu tiên để có thể triển khai rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng...
Nếu cả hai dự án về đích đúng hạn, hệ thống điện quốc gia sẽ được bổ sung thêm khoảng 15 tỷ kWh điện mỗi năm cho các nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Công trình sẽ vận hành như một nhà máy điện độc lập với hợp đồng mua bán điện 25 năm với EVN. Kết thúc thời hạn vận hành, các dự án này sẽ được chuyển giao cho Bộ Công Thương.
Theo các chuyên gia, các chủ đầu tư dự án BOT và các ngân hàng cho vay vốn khá yên tâm về việc thu hồi vốn trong thời gian 25 năm vận hành nhà máy. Lý do là giá bán điện của các dự án BOT khá rõ ràng theo các cam kết và không phải tham gia thị trường điện cạnh tranh. Thậm chí vào mùa mưa, các nhà máy điện BOT có giá mua điện cao hơn các nhà máy thủy điện trong nước vẫn được ưu tiên phát điện lên lưới, cho dù các nhà máy thủy điện có thừa nước phải xả đi.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho giới đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành điện Việt Nam và chắc chắc sẽ tạo ra bước đột phá mới trong việc phát triển các dự án điện BOT.
Hiện nay, hầu hết các chủ đầu tư đang rất tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục và chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho các dự án. Kết luận của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại buổi kiểm tra tiến độ các nhà máy BOT cũng khẳng định, đến thời điểm này, hầu hết các dự án đều phát triển khá thuận lợi. Tuy nhiên, từ nay đến khi cán đích, các dự án vẫn còn gặp không ít khó khăn
Còn nhiều vướng mắc
Vướng mắc nhất trong quá trình thương thảo dự án điện BOT chính là vấn đề cung ứng vận chuyển than và đàm phán giá điện. Chủ đầu tư các dự án Vĩnh Tân 1 cho biết: Hiện nay vẫn chưa làm rõ được nguyên tắc vận chuyển than và cơ chế đưa giá vận chuyển than vào giá điện cũng như việc tách hợp đồng vận chuyển than khỏi hợp đồng cung cấp than. Đây cũng là khó khăn chung của các dự án sử dụng than.
Riêng dự án Nam Định lại đang băn khoăn về việc lựa chọn phương án vận chuyển than theo đường sông hay đường biển.
Dự án Vũng Áng 2, Duyên Hải 2 lại vướng về việc phân chia chi phí cơ sở hạ tầng dùng chung và thỏa thuận về tuyến bến cảng than. Dự án Mông Dương 2 dù đã khởi công nhưng hiện vẫn đang chậm trễ trong việc bàn giao hạ tầng cấp nước vận hành và bàn giao Lô 3. Nguyên nhân là công tác đền bù giải phóng mặt bằng đang gặp khó khăn. Theo chủ đầu tư AES, sự chậm trễ này sẽ ảnh hưởng lớn tới kế hoạch xây dựng nhà ở cho dự án.
Dự án Vĩnh Tân 1 lại gặp khó khăn về vốn và hợp đồng thuê đất. Việc thỏa thuận về phân bố rủi ro cũng đang gây nhiều tranh cãi. Đặc biệt, nỗi lo lớn của chủ đầu tư dự án Duyên Hải 2 và Vân Phong 1 là vấn đề xây dựng lưới truyền tải đồng bộ đang gặp trở ngại do EVN chưa biết trông vào đâu để thu xếp vốn. Nếu lưới không vào kịp thì nhà máy có đúng tiến độ cũng như không.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ chủ trương giảm bớt, hạn chế phạm vi bảo lãnh đối với các dự án BOT cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Hầu hết các nhà đầu tư đề nghị Chính phủ cung cấp bảo lãnh 100% cho chế độ ngoại tệ.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Nhằm giải quyết vướng mắc cho các dự án BOT, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Đẩy nhanh tiến độ dự án BOT là nhiệm vụ rất quan trọng và được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Vì vậy, các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để giải quyết.
Về khó khăn của EVN trong việc thu xếp vốn xây dựng lưới truyền tải, giải phóng mặt bằng và những vấn đề liên quan đến cảng biển, Thứ trưởng khẳng định: Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo giải pháp khắc phục, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đảm bảo tiến độ. Về việc ký hợp đồng PPA phân bố rủi ro, Thứ trưởng yêu cầu các nhà đầu tư không nên chỉ lựa chọn những điều khoản có lợi nhất mà nên dựa vào các hợp đồng PPA gần nhất là hợp đồng của dự án BOT Hải Dương để làm mẫu. Thứ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Năng lượng xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể cho các dự án từ nay đến khi khởi công, thậm chí đến khi vận hành tổ máy 1. Dựa trên kế hoạch đó, các bên sẽ báo cáo để giải quyết vướng mắc.
Riêng dự án Vũng Áng 2, hợp đồng BOT đang bị vướng vì còn nhiều quan điểm chưa thống nhất về chế độ thuế, chuyển đổi ngoại tệ, công thức đền bù, chia sẻ cơ sở hạ tầng, hợp đồng cung cấp nước xây dựng và vận hành. Đặc biệt là những yêu cầu chưa có tiền lệ ở các dự án khác như: chủ đầu tư VAPCO yêu cầu phải có điều khoản về đe dọa quốc hữu hóa hoặc yêu cầu quy định của hợp đồng BOT được áp dụng ưu tiên trên tất cả các văn bản của Chính phủ. Vì vậy, mặc dù Tổng sơ đồ VII yêu cầu Vũng Áng 2 đưa tổ máy 1 vào vận hành năm 2018 nhưng theo Bộ Công Thương, tiến độ này khó có thể thực hiện do quan điểm giữa chủ đầu tư và các Bộ, ngành còn quá nhiều khác biệt.