Gian hàng OCOP Quảng Ninh tại Hội chợ Hành lang kinh tế Đông - Tây 2018 tại Đà Nẵng |
Tham gia từ những ngày đầu triển khai chương trình OCOP, từ sản phẩm địa phương với bao bì, mẫu mã, kiểu dáng thô sơ, đến nay miến dong Bình Liêu đã trở thành hàng hóa có thương hiệu cả trong và ngoài tỉnh. Đại diện Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu – đơn vị sản xuất và cung ứng sản phẩm - chia sẻ, xác định để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nên đơn vị đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, như: đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào, đa dạng hoá mẫu mã và “chuẩn hoá” sản phẩm bằng việc dán tem điện tử VNPT check, bán hành online và quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử… nhằm khẳng định chất lượng sản phẩm và bảo vệ thương hiệu.
Những giải pháp quan trọng này đã giúp sản phẩm miến dong Bình Liêu của đơn vị không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà đã vươn ra các địa phương khác, từ Hải Dương, Hà Nội, Bắc Giang,… và được bày bán tại hệ thống siêu thị BigC trên toàn quốc.
Cùng với miến dong Bình Liêu, nhờ không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng, nhiều sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đã và đang khẳng định vị trí trên thị trường, như: trứng gà Tân An, nước mắm Cái Rồng, rau sạch Việt Long, rượu mơ, rượu Ba Kích, miến dong Bình Liêu... đến các loại hải sản, chè Đường Hoa, củ cải khô, củ cải phên Đầm Hà, gà Tiên Yên, gốm sứ Quang Vinh, nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh…
Đặc biệt, để đạt được mục tiêu đưa chương trình OCOP chuyển từ “lượng” sang “chất”, một trong những giải pháp quan trọng được các cấp, ngành và Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện là ban hành quy định quản lý, sử dụng nhãn hiệu OCOP-QN đối với tem, nhãn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 62 sản phẩm đạt 3 sao trở lên của 34 doanh nghiệp, HTX thuộc 8 địa phương được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP-QN.
Việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP-QN đã giúp tăng cường quản lý chất lượng đối với sản phẩm. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh đã sửa đổi, bổ sung, ban hành bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm. Trong đó, điểm mới là các sản phẩm tham gia cuộc thi cấp tỉnh đều được hội đồng thẩm định thực tế ngay tại cơ sở sản xuất. Song song đó, 100% sản phẩm này đều được lấy mẫu kiểm nghiệm, đảm bảo tiêu chí về vệ sinh môi trường, có giấy xác nhận các tiêu chí an toàn của đơn vị chuyên môn mới được xếp hạng... Đặc biệt, Quảng Ninh đã triển khai phần mềm quản lý chương trình và sản phẩm bằng tem điện tử thông minh sử dụng mã Qr-code, ứng dụng VNPT check, phần mềm quản lý... và hiện toàn tỉnh đã có 85% sản phẩm OCOP đã được dán tem điện tử.
Tỉnh cũng đã sửa đổi chu trình OCOP phù hợp với nhu cầu phát triển theo các bước: Tuyên truyền, hướng dẫn; nhận ý tưởng sản phẩm; nhận kế hoạch kinh doanh; triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá xếp hạng cấp huyện, tỉnh; xúc tiến thương mại. Chương trình OCOP sẽ được thực hiện trên nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành danh sách 12 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, 6 sản phẩm định hướng cấp quốc gia; xây dựng kế hoạch, giải pháp, chính sách cho từng nhóm.
Trong nỗ lực đưa sản phẩm OCOP vươn xa, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức Hội chợ OCOP Quảng Ninh Xuân 2019 tại Trung tâm Thương mại BigC Thăng Long (Hà Nội). Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức một hội chợ chuyên biệt giới thiệu sản phẩm OCOP nói riêng và nông sản Quảng Ninh nói chung tại địa phương khác. Hội chợ lần này sẽ là cơ hội rất tốt để sản phẩm OCOP quảng bá cũng như tiếp cận với thị trường Hà Nội nhiều tiềm năng.